Hộp đen xe khách

04:07, 09/07/2013
.

(QNg)- Bắt đầu từ 1/7, các xe khách tham gia giao thông và xe container đều được kiểm tra hộp đen gắt gao. Hộp đen là thiết bị giám sát hành trình của mỗi chiếc xe khách khi tham gia giao thông. Bằng các phương tiện kiểm tra và giám sát hiện đại qua hệ thống internet, ngồi ở trung tâm, các chủ hãng xe cũng có thể biết một cách chính xác chiếc xe của mình đang chạy đến địa điểm nào, tốc độ bao nhiêu, dừng đỗ ở đâu, trong thời gian bao lâu, có bắt thêm khách và nhồi nhét khách không… Nghĩa là, các ông chủ, dù ở xa vạn dặm cũng có thể biết được “cả những con chuột đang trèo lên chiếc xe khách của mình thông qua chiếc hộp đen ấy”- như lời một cảnh sát giao thông đã ví von.

Thực ra, sau 1/7/2012, ngày mà Nghị định 91 của Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực, nhiều hãng xe khách cũng đã lắp hộp đen trên những chiếc xe của mình. Tuy nhiên, việc lắp hộp đen cho xe khách với việc giám sát và nhắc nhở tài xế của mình thông qua các thông số từ những chiếc hộp đen ấy là hoàn toàn khác nhau. Vụ tai nạn thảm khốc ở Khánh Hòa hồi tháng 3 vừa qua làm hàng chục người thiệt mạng, trên cả hai chiếc xe khách bị nạn của Quảng Ngãi và Bình Định đều có gắn hộp đen cả, thế nhưng, cả hai xe đều chạy quá tốc độ cho phép, được hộp đen ghi lại mà các chủ hãng xe ấy có một lời cảnh báo nào cho các tài xế của mình đâu!

Giá như ở tổng đài, thấy chiếc xe của mình đang chạy quá tốc độ như thế, chỉ cần nhấc điện thoại lên rồi “a lô” cảnh cáo một tiếng thì biết chừng đâu, tai nạn ấy đã không xảy ra. Hoặc khi xe về bến đỗ, các chủ hãng xe, thông qua hộp đen, họ ghi lại tất cả các vi phạm của tài xế trong quá trình vận hành rồi có biện pháp xử phạt nghiêm khắc thì không một tài xế nào dám liều mạng phóng nhanh, chạy ẩu một khi nồi cơm của mình luôn được các ông chủ “săm soi” cắt bớt nếu mình vi phạm.

Cả nước hiện có khoảng 48.000 xe khách bắt buộc phải gắn hộp đen. Trong số này cũng đã xuất hiện những chiếc “hộp đen đối phó”, nghĩa là nhiều hãng xe cắt bớt các thông số mà chức năng hộp đen đang có để “tiết kiệm chi phí”. Thậm chí, có những xe, chủ hãng chỉ “thuê” hộp đen lắp vào khi đưa xe đi kiểm định, xong lại tháo ra. Vì vậy, trên giấy tờ thì xe vẫn có hộp đen, nhưng trên xe thì không có.

Kiểm tra hộp đen và tước phù hiệu của xe là việc làm cần thiết của lực lượng thanh tra giao thông. Tuy nhiên, hộp-đen-ý-thức của các chủ hãng xe và các tài xế khi tham gia giao thông mới là điều quan trọng hơn cả. 90% vụ tai nạn là do lái xe chạy ẩu nhưng các tài xế không nhận từ các chủ hãng một hình thức xử phạt hoặc không có những lời cảnh cáo thiết thực nào thì có gắn hộp đen bằng trời cũng phải bó tay.
 

Trần Đăng
 


.