Một đề xuất hay

01:05, 04/05/2013
.

(QNg)- Gặp nhà sử học Dương Trung Quốc ở lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, sau màn chào hỏi thông thường, chợt ông trầm giọng nói với tôi: “Anh là người Quảng Ngãi, lại có am hiểu về Hoàng Sa và Lý Sơn, nên tôi muốn hỏi anh: Nếu ở kỳ họp Quốc hội lần này, tôi đề xuất phương án chuyển chính quyền huyện đảo Hoàng Sa từ Đà Nẵng vào cho Quảng Ngãi quản lý và đặt trụ sở chính tại đảo Lý Sơn, thì anh nghĩ thế nào?”

Tôi trả lời ngay: Tôi là người dân Quảng Ngãi, có hiểu biết chút ít về Hoàng Sa và Lý Sơn, nên nghe đề xuất của anh, tôi rất mừng. Mừng vì mấy lẽ:

1) Quốc gia đầu tiên đặt định chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa là Việt Nam. Những cư dân đầu tiên thực hiện việc dựng bia chủ quyền và bảo vệ Hoàng Sa là ngư dân Quảng Ngãi-hầu hết là ngư dân đảo Lý Sơn.

2) Lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” có từ hàng trăm năm nay tại đảo Lý Sơn là do dân đảo Lý Sơn tự khởi xướng và thực hiện, chứ không phải do nhà nước “bày ra”. Năm nay, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng nhân dân đảo Lý Sơn đứng ra tổ chức Lễ hội này ở quy mô lớn là nhằm tôn vinh một lễ hội mang tinh thần yêu nước và bảo vệ chủ quyền cao độ của người dân Lý Sơn, người dân Quảng Ngãi, cũng là nhằm quảng bá tạo điều kiện cho nhân dân cả nước hướng về đảo tiền tiêu Lý Sơn trong hành trình yêu nước từ ý thức đến hành động của mỗi người.

3) Xét về mặt địa lý, thì Đà Nẵng gần Hoàng Sa hơn so với Quảng Ngãi. Nhưng xét về mặt lịch sử, về sự hy sinh để cắm mốc chủ quyền, về mặt tâm linh và tình cảm, thì Hoàng Sa gần với Lý Sơn, gần với Quảng Ngãi nhất. Những đội “Hùng binh Hoàng Sa” từ ngày xưa đều lấy người từ đảo Lý Sơn và vài huyện ven biển Quảng Ngãi để giong thuyền ra trấn giữ Hoàng Sa, khai thác sản vật và bảo vệ chủ quyền ở đó. Họ là những người chủ thật sự của Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước.

 

Cho tới bây giờ, ngư trường truyền thống của ngư dân Lý Sơn và một số huyện ven biển Quảng Ngãi vẫn là ngư trường Hoàng Sa. Đó là sự liên tục của lịch sử khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa được thực hiện bởi ngư dân Lý Sơn và Quảng Ngãi, là một thực tế không thể chối bỏ được. Dù hiện tại Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, thì từ trong lịch sử cho tới hiện tại và mãi về sau này, Hoàng Sa vẫn là “máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”. Muôn đời người Việt Nam luôn nhớ điều đó.
 
4) Vì thế, nếu đại biểu Quốc hội-nhà sử học Dương Trung Quốc có đề xuất trước Quốc hội về việc dời chuyển đơn vị hành chính huyện đảo Hoàng Sa về thuộc bản đồ hành chính tỉnh Quảng Ngãi và giao cho đảo Lý Sơn quản lý hành chính, thì đó là một đề xuất hết sức hợp lý. Và hợp lòng dân.

 

THANH THẢO
 


.