Kẻ ăn không hết...

07:05, 08/05/2013
.

(QNg)- 64% diện tích trong tổng số hơn 14.300 ha đất lâm nghiệp được giao cho 5 công ty nông, lâm nghiệp trên địa tỉnh đang bỏ hoang. Đây là kết quả thanh tra của ngành Tài nguyên-Môi trường trong năm 2012 về tình hình sử dụng đất của các nông, lâm trường cũ (nay là các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh).

Chỉ có gần 5.300 ha được đầu tư trồng cây lâm nghiệp, hơn 9.000 ha còn lại đang bị bỏ hoang. Trong số những công ty này nhiều đơn vị mới sử dụng 20% diện tích đất rừng được giao. Đây quả là sự lãng phí lớn về nguồn lực đất đai, bởi hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi, hàng nghìn hộ dân đang thiếu đất sản xuất.

Trong những năm qua, Quảng Ngãi đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chặt chẽ, đồng bộ công tác quy hoạch ba loại rừng, tiến hành quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, để “rừng thật sự có chủ” nhằm phát huy hiệu quả vốn rừng. Trên cơ sở quy hoạch đất lâm nghiệp, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hợp lý, khuyến khích nông dân phát triển rừng. Các dự án như KFW6, JIBIC, WB3 và dự án 661 được triển khai đã thu hút hàng chục nghìn hộ nông dân tham gia quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới khoảng hàng chục nghìn ha rừng. Và thực tế hiện nay nhiều chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện được đời sống của nhân dân địa phương.

Có thể nói, việc thực hiện giao đất, giao rừng cho các hộ dân quản lý, sản xuất khơi sức sản xuất trong dân, là chuyện hợp lòng dân, mà minh chứng rõ nét là rất nhiều hộ dân hiện nay đã làm giàu từ rừng, trở thành chủ rừng.  Một vị giám đốc công ty chế biến dăm gỗ từng cho hay, chưa có nơi nào như ở Quảng Ngãi, người dân không chỉ trồng rừng trên đồi núi mà ngay cả trong vườn nhà, ở những mảnh đất trống ven vệ đường họ cũng tận dụng để trồng cây keo lai, trồng cây nguyên liệu, bởi họ đã và đang thật sự sống được, có được cuộc sống ổn định, giàu lên là nhờ trồng rừng nguyên liệu. Song thật đáng tiếc, khi nhiều người dân miền núi coi “tấc đất như tấc vàng” thì các công ty lâm nghiệp này lại không nghĩ như vậy.

Trước cảnh “kẻ ăn không hết”, nhiều nơi người dân đã tự ý lấn chiếm đất do các Công ty nông, lâm nghiệp nắm giữ (nhưng bỏ hoang) để trồng cây lâm nghiệp dẫn tới tranh chấp đất giữa người dân với các Công ty nông, lâm nghiệp (con số thống kê chưa đầy đủ diện tích tranh chấp trên 2.000 ha). Một điều không lấy gì làm vui nhưng đó là thực tế đang diễn ra.

Hoàng Triều
 


.