Dựa dẫm Nhà nước

10:05, 05/05/2013
.

(QNg)- Thói quen bao cấp đã ngấm vào máu thịt của người dân mấy chục năm qua khiến tâm lý ỉ lại ngày càng trầm trọng. Cái gì cũng “để Nhà nước lo” nhưng hỏi Nhà nước là ai thì không phải người dân nào cũng trả lời được. Tiền Nhà nước cũng là lấy từ tiền thuế của dân chứ không phải tiền từ trên trời rơi xuống. Thế mà bất cứ một công trình dân sinh nào cần đến tiền, dù là ít nhất thì người dân cũng vẫn “đẩy” về cho Nhà nước lo. Thói quen tai hại này đã tạo một sức ì ghê gớm trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Những năm qua, Nhà nước chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn cấp xóm với phương án 50-50, nghĩa là ngân sách chi một nửa, nửa còn lại người dân tại nơi có con đường ấy phải bỏ vào. Thế nhưng, không ít những con đường giao thông ở các xóm hiện nay vẫn nằm trong tình trạng “nửa xi măng nửa đất” vì nhiều nơi chỉ làm đoạn đường do ngân sách nhà nước hỗ trợ, còn phần của dân thì không ai chịu góp cả. Người dân ở xóm ấy có thể ăn nhậu thâu đêm, tốn cả bạc triệu thì rất vô tư nhưng bảo góp vài trăm ngàn để con đường ở xóm mình khỏi lầy lội thì không bao giờ chịu móc tiền ra.

Tình trạng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt ở đảo Bé cũng rơi vào trường hợp “dựa vào Nhà nước” này, dù tính chất và mức độ có khác nhau. Năm 2012, Công ty Doosan Vina tài trợ cho đảo Bé 1 triệu USD để xây dựng nhà máy này với mong muốn chấm dứt cơn khát nước ngọt triền miên của hòn đảo không có mạch nước ngầm này. Sau khi bàn giao nhà máy vào tháng 8/2012, Công ty Doosan còn tài trợ miễn phí nước ngọt đến hết năm. Dân đảo Bé vô cùng phấn chấn trước sự giúp đỡ đó. Tuy nhiên, khi thời hạn “bao cấp” đã hết, muốn có nước ngọt thì phải mua nhiên liệu để nhà máy ấy hoạt động. Và để có một khối nước ngọt cần tới 120.000đ tiền mua nhiên liệu, bảo dưỡng máy và trả lương công nhân, cao hơn chi phí sang đảo Lý Sơn để mua nước ngọt chở về! Tỉnh đưa ra giải pháp là mỗi khẩu ở đảo Bé dùng 2 khối nước/tháng với giá 11.000 đ/khối, nếu dùng vượt quy định ấy thì phải trả 120.000đ/khối. Giải pháp này có vẻ dễ chấp thuận nhưng người dân thì vẫn … muốn bao cấp trọn gói hơn là phải bỏ tiền ra mua nước.

Ở đảo, người dân gặp bất lợi đủ thứ thì còn có thể cảm thông nhưng nhiều nơi ở đồng bằng, cuộc sống không đến nỗi nào, vẫn cứ mang tâm lý đợi Nhà nước “biếu không”. Hàng chục công trình nước sạch, ngân sách bỏ tiền tỷ ra xây, giờ chỉ lắp ống nước vô nhà mình để xài và hằng tháng trả tiền điện để vận hành nhà máy, thế mà vẫn không mấy người chịu bỏ tiền ra để cho công trình nước sạch ấy hoạt động. Thói quen chờ Nhà nước bao cấp ấy đã thành “bệnh” trong rất nhiều người hiện nay, khó mà chữa được.

TRẦN ĐĂNG
 


.