Khó hiểu!

02:03, 02/03/2013
.

(QNg)- Tôi đã ngỡ ngàng khi đọc một đề mục trong Dự thảo Luật Cư trú vừa được đệ trình lên UB Thường vụ Quốc Hội. Đó là quy định cắt hộ khẩu với những người đi nước ngoài từ hai năm trở lên, biến nơi thường trú của họ thành nơi tạm trú.


Thật tình, tôi không sao hiểu nổi quy định này!

Trong khi, Nhà nước hết sức khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh, nghiên cứu sinh đi du học, với mục đích sau khi học thành tài họ sẽ quay về làm việc trong nước và góp phần tích cực nhất xây dựng đất nước. Vậy mà nay, chỉ cần họ đi học nước ngoài 2 năm, ở nhà đã “cắt béng” hộ khẩu của họ. Khiến họ bơ vơ và không có đường về.

Ai cũng biết, với người dân Việt Nam bây giờ, hộ khẩu chỉ mang tính quản lý, tạo điều kiện dễ dàng cho Nhà nước quản lý công dân của mình, chứ không phải hộ khẩu mang lại quyền lợi vật chất thiết thực gì cho người dân như ở thời bao cấp.

Vậy thì vì sao lại có cái "ý tưởng" cắt hộ khẩu kỳ quái này? Và làm như thế để được cái gì? Hướng tới mục đích nào? Hay đây chỉ là thêm một quy định không giống ai để các cơ quan chức năng hộ khẩu có điều kiện… nhũng nhiễu dân? Vì một khi đã mất hộ khẩu, những người đi du học hay đi công tác, đi hợp tác lao động ở nước ngoài về nước chắc chắn sẽ phải… "chạy lại" cho có hộ khẩu, ở ngay nơi cư trú và ngôi nhà mình từng có hộ khẩu thường trú. Một khi đã phải "chạy", thì mọi tuế toái hay tiêu cực đều có thể xảy ra.

Nhưng, ngạc nhiên quá! Vì không ai biết "thâm ý" của quy định này là gì? Tại sao phải xáo trộn một cách hoàn toàn không cần thiết việc quản lý hộ khẩu đã có nền nếp như xưa nay. Để làm gì?

Khi đọc Dự luật cư trú này, có một người cũng đã rất ngạc nhiên. Người đó là… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Sửa luật phải tạo điều kiện tối đa cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú, thay vì "cấm" và "xóa".

"Nguyên tắc là người dân phải được tự do cư trú, đi lại, được chăm sóc y tế, có chỗ học hành. Việc đăng ký thường trú, tạm trú phải thông thoáng", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông, tư tưởng của Luật Cư trú phải nhất quán với Hiến pháp và pháp luật hiện hành về đảm bảo quyền tự do cho công dân. Như vậy, từng điều kiện về nhập hộ khẩu hay các hành vi cấm cần phải trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân thay vì gây khó dễ.

Tới đây thì đã rõ! Một khi Chủ tịch Quốc hội đã phát hiện ra ngay sự vô lý và bất cập của Dự thảo Luật Cư trú, thì người ta buộc phải đặt lại câu hỏi: Chẳng lẽ, những Tiểu ban dự thảo Luật của Quốc hội, những vị có chuyên môn đầy mình làm việc tại các Tiểu ban ấy lại có thể đưa ra một Dự luật không phù hợp với mong đợi của người dân.


Thanh Thảo
 


.