Tột cùng nỗi đau

10:11, 20/11/2012
.

(QNĐT)- Tai nạn giao thông mãi là nỗi ám ảnh, là nỗi đau tột cùng đối với nạn nhân và gia đình có người thân bị tai nạn giao thông… và đối với toàn xã hội.

TIN LIÊN QUAN


Hôm qua (19/11), cả nước đã tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao thông. Trời nắng dịu. Trong cái gió se lạnh của mùa thu, nhìn tấm băng-rôn chất chứa nỗi đau với dòng chữ “Tưởng niệm các nạn nhân bị tử vong vì tai nạn giao thông” treo ở các trục đường chính càng khiến con người ta miên man nỗi buồn.

Phút tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. Ảnh Internet
Phút tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. Ảnh Internet


Nỗi đau, sự mất mát do tai nạn giao thông thật đáng sợ. Nó mãi là nỗi ám ảnh đối với các nạn nhân và gia đình có người thân bị tai nạn giao thông, và cũng là nỗi mất mát đau thương đối với toàn xã hội.

Tôi cảm thấy lòng buồn rượi. Hình ảnh cháu bé Phạm Thị Kim Ngân (HS lớp 6A, Trường THCS Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) giàn giụa nước mắt trong nỗi sợ hãi khi nói đến tai nạn giao thông, do  Đài Truyền hình Việt Nam phát trong chương trình thời sự sáng 19/11 cứ nhảy múa trong đầu tôi. Cháu bé nắn nót viết từng con chữ, viết nên ước nguyện của tuổi thơ, viết nên dòng suy nghĩ mà lẽ ra “là của” người lớn gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng.

Cháu bé viết thư gởi Bộ trưởng với mong ước có trạm gác ở điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ, trên con đường hàng ngày cháu bé và đông đảo học sinh cắp sách đến trường…

Cháu bé viết nên khát vọng không phải rùng mình, không phải sợ tiếng còi tàu, không phải chứng kiến tai nạn giao thông thương tâm để rồi mỗi lần nhớ đến là mỗi lần sợ hãi rơi nước mắt. Một tâm hồn trẻ thơ lại mang nặng nỗi lo làm thế nào đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người, mọi nhà khiến người lớn phải suy nghĩ.

Ở Quảng Ngãi cũng có những điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ không trạm gác chắn. Đường sá vẫn đông đúc người qua lại. Tiếng còi tàu vẫn mãi là nỗi khiếp sợ!

Cũng vào ngày này đúng 6 năm trước một người bạn, người anh đáng kính của chúng tôi ra đi trong tột cùng nỗi đau. Ngày tôi học năm nhất đại học, anh là sinh viên năm 4 học giỏi có tiếng ở Trường ĐH KHXH&NVTP.HCM. Chẳng phải tôi ngợi khen quê hương mình, nhưng quả thật nghị lực vươn lên của sinh viên nghèo ở khúc ruột miền Trung quê tôi thật đáng nể phục. Anh là một trong những tấm gương giàu nghị lực, tự bươn chải nơi mảnh đất Sài Thành kiếm tiền trang trải việc học, lo cho những đứa em thơ.

Anh là tấm gương sáng, là bậc đàn anh để những sinh viên vốn có cuộc sống thiếu thốn, lam lũ như chúng tôi noi theo. Nhớ đến anh, nhớ đến sự ra đi trong nỗi đau khôn nguôi, tôi không sao cầm được nước mắt. Anh ra trường, có được công việc mà chúng tôi hay gọi là “VIP”, có vợ, có con. Mẹ già ở quê với khuôn mặt đầy những nếp nhăn mỗi lần nhớ đến anh là mỗi lần nở nụ cười hạnh phúc. Anh là niềm hãnh diện của gia đình, làng xóm và của chúng tôi-“sấp nhỏ” ở cùng quê nối gót anh vào đại học… Vậy mà, ngày anh vừa từ Sài Gòn về quê làm lễ cúng đầy tháng cho con, xuống xe ôtô khách chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, chưa kịp nhìn thấy mặt con, anh đã ra đi… vĩnh viễn.

Chẳng thể xóa nhòa nỗi đau, chẳng thể quên được hình ảnh của anh trong bê bết máu ngày hôm ấy. Vợ anh, chị vui mừng sắp được gặp anh, cùng anh sum vầy, hạnh phúc bên đứa con thơ, nào ngờ… Chị ngất lịm trong nỗi đau vô bờ.

Anh chết ngay tại chỗ khi bị 3 thanh niên chạy xe máy ngược chiều tông vào. Sáng qua ngồi nhớ đến anh, chúng tôi nhói lòng nhớ đến gia đình nhỏ của anh. Chị và cháu bé, người mất chồng, người mất cha… 6 năm trôi qua, nước mắt vẫn cứ giàn giụa mỗi khi nhắc đến anh.  

Có nỗi đau nào hơn nỗi đau mất mát người thân. Sự mất mát ấy phần nhiều do chính con người gây ra, do sự kém ý thức khi tham gia giao thông để lại phía sau những nỗi đau tột cùng trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân, của đồng loại do tai nạn giao thông.


Phương Lý
 


.