Năng lượng sạch thuở xưa

08:11, 21/11/2012
.

(QNg)- Khái niệm "năng lượng sạch" thực ra mới chỉ xuất hiện trong thời kỳ hiện đại; bởi xưa, kỹ thuật lạc hậu, năng lượng chưa nhiều và đương nhiên cũng chưa đặt vấn đề ô nhiễm do năng lượng thải ra. Khi khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc, năng lượng được phát hiện nhiều dạng khác nhau, các loại máy móc phát triển, giúp con người rất nhiều thứ, và cũng thải ra môi trường nhiều thứ, con người mới cảm nhận tác hại của nó, và từ ấy ý người ta lại nhớ tới những năng lượng không "nhả khói", như kiểu năng lượng mặt trời, năng lượng của gió, của sóng biển.

Thuở xưa loài người có thể sử dụng than củi để đun nấu, sức gió để căng buồm đẩy thuyền đi, thì than củi có thể thải ra môi trường khí các-bôn có hại, tuy nhiên do lượng khí không nhiều nên tác hại không đáng kể. Sức gió mới đích thị là loại "năng lượng sạch" vì chúng chẳng thải ra gì ra môi trường. Từ ấy ta mới nhớ đến những cánh buồm.

Hình ảnh cánh buồm đi vào thi ca như những hình ảnh đẹp đẽ và mơ mộng: Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm!”… Cách buồm cao như mảnh hồn làng, Rướn thân trắng bao la thâu góp gió. Thuở xưa, khi chưa phát minh ra "máy hơi nước" thì cả nhân loại, cả phương Đông và phương Tây, đều dùng tàu thuyền buồm, lợi dụng sức gió để đẩy thuyền đi. Các thuyền đánh cá của nước ta, các loại ghe bầu đi buôn trong Nam ngoài Bắc, đều sử dụng buồm. Bọn hải tặc Tàu Ô trên biển Đông thì có loại "buồm lá mít" chạy rất nhanh để thực hiện các vụ cướp bóc. Cho đến những năm đất nước ta còn chiến tranh, thì việc sử dụng thuyền buồm vẫn rất phổ biến.

Thuyền buồm tiếp tục đi vào các tác phẩm văn học nghệ thuật: “Gió lên đi cho thuyền ta ra khơi…” Thành ngữ “Thuận buồm xuôi gió” xuất hiện từ xưa và cho đến nay vẫn sử dụng phổ biến, để chỉ công việc đang ở đà tiến triển tốt; cũng như ở phương Đông, bức tranh "Phong thuận" (xuôi gió) được người ta mua về treo ở nhà, với ý nghĩa cầu may mắn. Ngày nay, người ta hầu như không còn sử dụng thuyền buồm; đó là điều vô cùng đáng tiếc đối với văn học nghệ thuật.

Nhưng cũng không chỉ đáng tiếc đối với văn học nghệ thuật. Trong thực tiễn cuộc sống, sau khi ngán ngẩm với tình trạng ô nhiễm, người ta lại quay đi tìm năng lượng sạch. Người ta tìm cách thử nghiệm và phát triển pin mặt trời, điện gió, ô tô, thậm chí máy bay dùng năng lượng mặt trời - với nhiều sự cố gắng rất lớn, tuy mức độ thành công còn hạn chế, nhưng vẫn với một quyết tâm cao vì đây được xem như một quy luật tất yếu trong tương lai. Gió có thể giúp quay tuốc-pin phát điện. Nhưng xưa hơn nữa, gió trực tiếp đẩy vào cánh buồm cho những con thuyền chuyển động, kể cả những con tàu vượt đại dương thuở trước. Vậy thì có thể cải tiến cánh buồm cho những con tàu tầm trung đánh cá xa bờ của ngư dân ta được chăng? Nếu được, thì có thể xem là một cuộc "cách mạng" về sử dụng năng lượng sạch, và tiết kiệm được không biết bao nhiêu là chi phí.
 

Cao Chư
 


.