Khai mạc Hội thảo quốc tế về Việt Nam học

01:11, 26/11/2012
.

Với chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 đã khai mạc sáng 26/11 tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự.

Ngày nay ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam hay Việt Nam học đã trở thành ngành khoa học mới, đóng góp quan trọng vào việc hình thành tư duy phát triển Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.
Được tổ chức định kỳ 4 năm 1 lần và là diễn đàn khoa học lớn, có uy tín, quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Việt Nam, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 đã thu hút gần 1.000 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ tới dự.

Tại hội thảo này, các học giả trong nước và quốc tế sẽ có điều kiện chia sẻ những cứ liệu và tư liệu lịch sử mới tìm thấy, thảo luận về những tìm tòi, phát hiện mới trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đánh giá tác động của các thành tựu mới về khoa học và công nghệ, cùng tìm ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả để đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng kinh tế, tụt hậu phát triển, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường…
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu dự Hội thảo. VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu dự Hội thảo. VGP/Nhật Bắc

Đây sẽ là những đóng góp hết sức thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hà Nội và các nhà tài trợ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 về Việt Nam học với chủ đề thiết thực và rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung, khoa học xã hội và nhân văn nói riêng là một nội dung quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Hội thảo quốc tế về Việt Nam học là một hoạt động góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Đây là dịp để các nhà khoa học nói chung và Chính phủ Việt Nam nói riêng chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm phát triển, các tri thức mới về một đất nước Việt Nam không ngừng phát triển dựa trên thế và lực mới; góp phần làm cho thế giới biết đến Việt Nam không chỉ như một tấm gương về đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều công trình văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa nổi tiếng, có khả năng chinh phục những đỉnh cao của khoa học, mà còn là một Việt Nam hội nhập và phát triển thành công. Đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng ta thấy được sự lớn mạnh của mạng lưới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, Hội thảo lần này với sự tham dự đông đảo của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách sẽ trao đổi cởi mở và thẳng thắn, chia sẻ các thành quả nghiên cứu cũng như đưa ra các ý tưởng, các kiến nghị, qua đó đóng góp thiết thực cho việc nâng cao nhận thức, đề xuất những giải pháp và chính sách cụ thể thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững ở Việt Nam. Thành công của Hội thảo một lần nữa sẽ khẳng định vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn cũng như những giá trị mà nó mang lại trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn các nhà khoa học quốc tế tiếp tục đồng hành với các nhà khoa học Việt Nam xây dựng và phát triển bền vững ngành Việt Nam học trên thế giới, nhất là thành lập được nhiều hơn các trung tâm nghiên cứu về Việt Nam ở các nước, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành Việt Nam học cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa các nước vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức và các học giả quốc tế đối với công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam nói chung và ngành Việt Nam học nói riêng.

Hội thảo diễn ra trong các ngày từ 26-28/11/2012. Theo lịch trình, các đại biểu sẽ nghe các tham luận khoa học với các tiêu đề như: Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; phát triển lý luận và thực tiễn đổi mới theo định hướng XHCN của Việt Nam; một vài suy nghĩ về đặc điểm tiến trình đổi mới ở Việt Nam; ngoại giao Việt Nam-truyền thống và hiện đại… Các đại biểu sẽ tham gia thảo luận về các nội dung liên quan đến đến: lịch sử Việt Nam – truyền thống và hiện đại; văn hóa và giao lưu văn hóa trong hội nhập và phát triển bền vững; dân tộc và tôn giáo trong hội nhập và phát triển bền vững; môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời đại pháp quyền vì mục tiêu phát triển bền vững; ngôn ngữ, văn học và nghệ thuật Việt Nam trong trong hội nhập và phát triển bền vững.
 

 

Theo Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc/Chinhphu.vn

 


.