Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận về tình hình KT-XH

08:10, 30/10/2012
.

(QNĐT)- Sáng ngày 30/10/2012, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; kế hoạch năm 2013.

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Cao Phúc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tán thành với báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế. Trong năm 2012, kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khủng hoảng nợ công ở Châu Âu có xu hướng lan rộng và trầm trọng hơn; tăng trưởng phục hồi chậm, thất nghiệp tăng ở nhiều quốc gia, một số nền kinh tế lớn có nguy cơ lún sâu trì trệ, suy thoái điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế xã hội của nước ta.
 
Bên cạnh đó, những khó khăn trong nội tại nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm làm cho kinh tế xã hội năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự điều hành linh hoạt và quyết liệt của Chính phủ, chúng ta cũng đã đạt được những kết quả nhất định, kinh tế vĩ mô đã dần ổn định, lạm phát bước đầu đã kiềm chế, an sinh xã hội được quan tâm... với 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội năm 2012 vẫn còn tồn tại hạn chế: đó là kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định, nguy cơ lạm phát vẫn tiềm ẩn, thị trường sụt giảm, hàng tồn kho lớn, sản xuất đình trệ, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và tình trạng thất nghiệp tăng cao… làm cho đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Những tồn tại trên theo ông Phúc một phần là do nguyên nhân khách quan như đã nêu trên, còn nguyên nhân chủ quan là do hệ quả của việc đầu tư dàn trãi trong nhiều năm trước đây; năng lực dự báo kinh tế xã hội còn yếu nên bị động và hạn chế trong việc hoạch định chính sách; việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh chậm và hiệu quả không cao nên doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận; việc chấp hành chính sách, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, tình trạng sách nhiễu, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, công chức đã tác động xấu đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của năm 2012.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế trên, ông Phúc đã đề cập 3 vấn đề quan tâm, cụ thể:

- Thứ nhất là xử lý nợ xấu: Hiện nay, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng đến mức báo động và không có dấu hiệu ngừng lại, đã làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển của nguồn lực quốc gia, tính thanh khoản của ngân hàng kém, đây là nguyên nhân có thể đẩy lãi suất tăng lại trong thời gian đến. Vì vậy, xử lý nợ xấu là một yêu cầu bức thiết cần phải tập trung triển khai trong thời gian đến để "giải cứu" ngân hàng và nền kinh tế, cũng như đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các ngân hàng, các tập đoàn và tổ chức kinh tế.

Nhưng hiện nay, nợ xấu của các ngân hàng thương mại là bao nhiêu thì vẫn chưa xác định được cụ thể. Để giải quyết nợ xấu có hiệu quả cần phải rà soát nợ xấu ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng ngân hàng là bao nhiêu, xác định nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân. có như vậy mới có hướng tháo gỡ và giải pháp phù hợp như quy trách nhiệm cá nhân và thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán nợ… Đồng thời, khẩn trương thành lập Công ty mua bán nợ hoạt động theo nguyên tắc thị trường để xử lý nợ xấu, nhưng đây là hoạt động rất nhạy cảm dễ dẫn đến thất thoát lớn tài sản quốc gia. Vì vậy, hoạt động mua bán nợ cần phải minh bạch và đặt dưới sự theo dõi, giám sát đặc biệt của các Bộ, ngành liên quan và các Ủy ban của Quốc hội.

Thứ hai là giải quyết hàng tồn kho: Do đình trệ sản xuất và do chạy theo phong trào nên một số ngành đầu tư năng lực vượt quá nhu cầu trong nước, dẫn đến hàng tồn kho tăng rất cao so mới cùng kỳ năm trước, như: plastic, xi măng trên 50%, sắt thép trên 40% và khoảng 70.000 căn hộ nhà chung cư.
 
Xử lý hàng tồn kho là yêu cầu cấp bách nhằm thực hiện hai mục tiêu, đó là: vừa hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, vừa xử lý một phần lớn nợ xấu của các ngân hàng thương mại, nhất là trong bất động sản. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này thì cần khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cần có giải pháp mạnh để kích thích thị trường, như:

(1) Cân nhắc việc tăng mức phát hàng trái phiếu Chính phủ của năm 2013, phát hành trái phiếu công trình để  đầu tư vào các công trình có tính lang tỏa  đột phá thu hút đầu tư của xã hội; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm các công trình cần thiết bức xúc khác, để phát huy hiệu quả công trình, giải quyết việc làm và tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp; Nếu việc huy động vốn và quản lý cấp phát  một cách linh hoạt, hợp lý thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm 2013.

(2) Hiện nay, nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp của cán bộ, công chức ở các thành phố  lớn là rất lớn và rất bức xúc, trong khi đó có đến 70.000 căn hộ bị đóng băng. Để giải quyết vấn đề này, cần có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế ở phân khúc căn hộ trung bình và thấp. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ sức mua, như sớm triển khai Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở và ban hành chính sách tín dụng nhà ở hợp lý để hỗ trợ người dân vay để mua nhà, thì sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho dân ở các đô thị, vừa giải quyết tồn kho cho doanh nghiệp và nợ xấu của ngân hàng.

- Thứ ba là hỗ trợ nông dân và an sinh xã hội:

(1) Theo đánh giá của UBKT của Quốc hội, trong thời gian vừa qua sản xuất nông nghiệp nhất là chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng liên tiếp, nhưng giá bán không tăng, có trường hợp giảm sâu. Là một nước nông nghiệp nhưng có đến 70% nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi chúng ta phải nhập khẩu (năm 2011 chúng ta nhập khẩu xấp xỉ 8,9 triệu tấn). Do phụ thuộc vào nhập khẩu, nên không làm chủ được giá cả, không tận dụng được lợi thế các sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp rẻ của đất nước. Vì vậy, trong thời gian đến Chính phủ cần có chính sách đủ mạnh để phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm và phụ phẩm trong nông nghiệp, sớm đáp ứng nhu cầu trong nước, giải quyết lao động việc làm, tăng hiệu quả cho người chăn nuôi.   

(2) Trong thời gian qua, tình trạng vật tư nông nghiệp làm giả, không đảm bảo chất lượng gia tăng đã làm ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng nông dân bị tư thương đẩy giá đầu vào, ép giá đầu ra nên giá hàng nông sản, thực phẩm thu mua của nông dân thấp, trong khi giá ở siêu thị, ở chợ lại quá cao, tình trạng nhập lậu với số lượng lớn các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, sản phẩm loại thải đã làm ngành chăn nuôi trong nước lao đao. Điều này thể hiện sự bất cập trong hệ thống phân phối và quản lý thị trường; nông dân thiệt đơn, thiệt kép, làm cho đời sống đã khó lại càng khó hơn.

Trong thời gian đến, kiến nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác này, đồng thời có chính sách mua tạm trữ, xây dựng quỹ bình ổn, phát triển công nghiệp chế biến nông sản… để hạn chế tình trạng tư thương ép giá, được mùa mất giá, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện cuộc sống.       

Phiên thảo luận này dự kiến kéo dài đến hết sáng 31/10. Trước đó, ngày 24/10, trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu Quảng Ngãi cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.


Lê Hoàng Tân (lược ghi)

.