Quốc thể

01:09, 04/09/2012
.

(QNg)- Xưa kia, dưới thời phong kiến, trong nội các không hề có quan chức bộ trưởng ngoại giao, cũng không đặt đại sứ ở mỗi nước, chuyên lo mối quan hệ đối ngoại như sau này. Nhưng bang giao là công việc khách quan, tất yếu đặt ra cho mỗi nước, không thể không có.

Mỗi khi cần có quan hệ ngoại giao như thế nào đó, các triều đình phong kiến bèn chọn cử đoàn quan lại phù hợp đi sứ, đứng đầu có quan chánh sứ, quan phó sứ. Quan đi sứ lĩnh nhiệm vụ tương tự như bộ trưởng ngoại giao và đại sứ bây giờ; xong nhiệm vụ lâm thời là đi sứ, mỗi người ai quay về với công việc của mình. Thời ấy đi sứ là một nhiệm vụ khá nặng nề và nhiều khi nguy hiểm.

 Đi sang nước khác bằng phương tiện thô sơ, vượt qua bao rừng núi hiểm trở hoặc biển cả đầy sóng to gió lớn là cả một thách thức. Nhưng khó khăn nguy hiểm hơn nữa là thời đó chưa có các công pháp quốc tế. Các đoàn đi sứ có thể bị nước sở tại không hài lòng bắt giữ hoặc giết chết mà nước cử đoàn đi sứ không biết làm sao. Lịch sử bang giao nước ta đã có biết bao viên quan sứ vì không chịu nhục quốc thể, đã cự cãi lại, và chịu cảnh bỏ thây nơi xứ người. Đó là chuyện quốc thể. Một quốc gia bị xem thường hay phải được tôn trọng đúng mức, một phần quan trọng là từ lời ăn tiếng nói, cách xử sự, bản lĩnh, thể hiện một cách tập trung ở đoàn đi sứ của quốc gia đó.

Nhưng quốc thể không chỉ thể hiện ở các đoàn ngoại giao. Khi một người nào đó sang một quốc gia khác mà cách xử sự không đúng đắn, tất ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước mình, dân tộc mình. Hoặc ngay ở nước mình mà có cách xử sự như vậy, thì dưới mắt người nước ngoài đến thăm, cũng bị ảnh hưởng tương tự. Suy rộng ra, quốc thể không chỉ thể hiện ở các đoàn ngoại giao, mà ngay ở hành vi, ngôn ngữ của mỗi công dân của một đất nước. Khoảng mười lăm năm trước đây, tôi có dịp đặt chân đến Trung Quốc ở cửa khẩu Móng Cái.

Qua cầu bắc qua sông Ka Long biên giới của hai nước, một anh bạn trong đoàn thấy người lính biên phòng Trung Quốc đang đứng nghiêm làm nhiệm vụ, bèn chỉ lên các núi cao ở phía xa, hỏi là núi gì. Anh hỏi đến lần thứ hai, người lính Trung Quốc buộc miệng: "Không biết nói tiếng Việt Nam!" Giọng nói của người lính nọ có hơi "đớt", nhưng đã rõ là anh ta biết tiếng Việt, nhưng nội dung anh ta nói lại phủ nhận chuyện ấy; chứng tỏ anh ta hết sức bực mình. Trong đoàn chúng tôi ai cũng cảm thấy khó chịu, vì người hỏi đã hỏi không đúng lúc, đúng nơi, đúng người, tùy tiện và cẩu thả, có thể bị người nước khác xem thường. Đó cũng là chuyện quốc thể.

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, bên cạnh ngoại giao do cơ quan Nhà nước chuyên lo, còn có ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa… quan hệ đối ngoại càng ngày càng đa dạng, phong phú. Do đó thì  việc giữ gìn quốc thể càng trở nên quan trọng; không chỉ các quan chức nhà nước đại diện cho quốc gia, mà mỗi người dân khi có quan hệ với nước ngoài cũng nên cẩn trọng trong mọi việc. Bởi mỗi lời nói, hành vi của mình không chỉ  có ảnh hưởng đối với cá nhân mình.  


  MINH TUỆ
 


.