Coi chừng “đắm” cùng con tàu đắm!

09:09, 23/09/2012
.

(QNg)- Đến chiều ngày 17/9, đã có 13 tổ chức và 4 cá nhân đăng ký tham gia khai quật con tàu mà nghe đồn là có chứa nhiều cổ vật bị đắm tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), bất chấp những rủi ro có thể xảy ra một khi phát hiện những cổ vật trong con tàu không đủ bù chi phí khai quật.

TIN LIÊN QUAN


Ngày 8/9, một số ngư dân tại Châu Thuận Biển phát hiện có một con tàu cổ bị vùi trong cát ở độ sâu khoảng 4 mét, cách bờ chừng 100 mét, bên trong có nhiều chén, đĩa bằng gốm sứ. Thông tin trên lan nhanh trong vùng, lập tức một cảnh tượng hỗn loạn đã xảy ra. Hàng trăm người đổ xô về vùng biển này để lặn, đào, bới, xúc, thậm chí họ huy động cả máy hút cát để “khai quật” con tàu này.

Do mạnh ai nấy đào bới để tìm cổ vật nên rất nhiều chén, đĩa và đồ gốm sứ bị bể tanh bành. Có người kể rằng, chỉ trong một đêm, họ đã kiếm được 150 triệu từ việc bán số cổ vật lấy được từ con tàu (?). Một đồn mười, mười thổi lên trăm, dân buôn đồ cổ đổ về Châu Thuận Biển, rồi dân “rỗi nghề” cũng dồn về đây để tìm vận may. Cả một vùng biển vốn bình yên, bỗng chốc “dậy sóng” với món cổ vật. Trước tình trạng khai quật vô tội vạ này, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa hiện trường. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ VHTTDL vào cuộc để đưa ra các giải pháp xử lý con tàu này.

Ngày 13/9, đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã về Châu Thuận Biển và tiến hành khảo sát, thăm dò. Theo TS Phạm Quốc Quân, một chuyên gia về khảo cổ học dưới nước, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia, trong số những con tàu đắm ở các tỉnh mà ông từng tham gia khai quật thì đây là con tàu gần bờ nhất nên sẽ thuận lợi nhất. Tuy nhiên, từ việc “thuận lợi” đến việc khai quật xem thử giá trị bao nhiêu trong lòng con tàu này vẫn là một ẩn số.

Theo lời kể của những người tham gia khai quật “chui” mấy ngày qua thì chiều dài con tàu chừng 20 mét, rộng 4 mét, vỏ tàu bằng gỗ, dày khoảng 10cm. Cơ quan chức năng đưa ra giải pháp là sẽ khoanh vùng khai quật trong phạm vi 400 mét vuông. Dù ở gần bờ, song để “quật” lên được con tàu này không hề dễ dàng vì nó bị vùi dưới lớp cát khoảng 4 mét. Điều cần thiết và quan trọng nhất bây giờ là xác định “giá trị bên trong” của con tàu chứ không hẳn là khai quật như thế nào. Là bởi, để “quật” lên, số tiền tốn kém sẽ lên hàng tỷ đồng. Mà mục đích chính của việc khai quật cũng chỉ nhằm vào giá trị món đồ cổ trong đó chứ không phải để “nghiên cứu”! Đây là con tàu thứ 4 bị vùi trong lòng “vũng” được phát hiện từ trước đến nay. Tuy nhiên, chưa có vụ khai quật nào từ các con tàu này mà “thắng” cả!

Theo nhà sưu tầm cổ vật Lâm Zdũ Xênh ở huyện Bình Sơn thì giá trị của những món đồ cổ được lấy lên từ con tàu là rất lớn. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, món đồ cổ trong tàu không nhiều, vì rằng, vị trí con tàu đắm quá gần bờ nên chủ tàu sẽ dễ dàng lấy đi phần lớn số đồ gốm quý hiếm trên đó rồi. Vì vậy, việc “đắm” theo con tàu đắm này là điều cần phải hết sức cân nhắc.


 Trần Đăng
 


.