Bệnh vô cảm

10:06, 17/06/2012
.

(QNg)- Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, tại Quảng Ngãi đã có 3 sản phụ tử vong. Ngày 20/4, sản phụ Lê Thị Hương, do không được mổ kịp thời nên đã chết cả mẹ lẫn con; một ngày sau, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cũng nhập viện và cũng bị tử vong sau đó một tuần. Mới đây, chị Huỳnh Thị Thanh Tùng ở Mộ Đức cũng bị tử vong sau khi người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Mộ Đức để sinh.

 

Các cơ sở y tế đều đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, có một căn bệnh không phải do những sản phụ nọ mắc phải nhưng lại là nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết oan trên đây, đó là bệnh vô cảm từ các thầy thuốc.

Chẳng hạn như trường hợp của chị Huỳnh Thị Thanh Tùng ở huyện Mộ Đức. Những thầy thuốc ở cơ sở y tế này gần như dửng dưng đến vô cảm trước lời khẩn cầu của người nhà chị Tùng rằng chị cần được mổ gấp vì không chịu nổi với những cơn đau cũng như sức khỏe của chị không đảm bảo để có thể tự sinh. Những nhân viên y tế trực tại đây, hết nhăn nhó đến cáu gắt trước sự "van xin" của người nhà. Đến khi nhìn thấy thần chết đã gõ cửa sản phụ Tùng thì các thầy thuốc tại đây trở tay không kịp nữa rồi. Bệnh dửng dưng và sự vô cảm không chỉ có ở các cô y tá hoặc hộ lí thấp cổ bé họng mà còn có cả ở các vị lãnh đạo nữa. Một cơ sở y tế đóng trên địa bàn cả trăm ngàn dân như Mộ Đức mà "thiếu bác sĩ trực" thì thật khó hiểu!

Chúng ta thông cảm với những người thầy thuốc rằng, cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế hiện nay là rất kém, bệnh nhân thì lúc nào cũng quá tải, ai cũng muốn mình được "ưu tiên" chữa bệnh trước… điều đó đã khiến cho không ít thầy thuốc căng thẳng và bức xúc. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho những lí do khách quan đó để gỡ tội cho bệnh vô cảm của mình. Vì rằng, trước khi bước chân vô ngành y, tất cả đều thuộc lòng câu này "lương y như từ mẫu". Bệnh nhân không chỉ bớt bệnh bằng thuốc mà có thể họ bớt đi phần nào những cơn đau từ thái độ ân cần và hết lòng vì người bệnh của những người thầy thuốc nữa. Điều dễ bắt gặp hiện nay là, lúc ở bệnh viện có thể số thầy thuốc ấy vô cảm với bệnh nhân nhưng khi về phòng khám ở nhà riêng thì cách ứng xử sẽ khác hoàn toàn. Đồng tiền có thể làm cho con người thay đổi hành vi và thái độ của mình một cách nhanh chóng đến khó tin là thế.

Y học hiện đại có thể chữa nhiều căn bệnh nan y. Tuy nhiên "vô cảm" của thầy thuốc là căn bệnh không dễ chữa nếu chúng ta không thay đổi một cách triệt để những lề thói đã nhiễm vào máu huyết của ngành y lâu nay.


  Trần Đăng

 


.