Cẩn thận hàng Trung Quốc “giá rẻ”

10:07, 29/07/2011
.

(QNg)- Dân mình hay nói: “ Của rẻ là của ôi” nhiều khi cũng có cái lý của nó.

Từ Cao Bằng về Lạng Sơn, tôi ghé cửa khẩu Tân Thanh. Cửa khẩu này cách đây mấy năm tôi đã ghé qua, cảm giác như choáng ngợp với hàng hoá và những cảnh buôn bán tấp nập. Bây giờ trông vắng vẻ đi nhiều. Đã có không ít cửa hàng VN đóng cửa. Lý do đơn giản vì hàng Trung Quốc bây giờ không được người tiêu dùng VN ưa chuộng nữa. Một cô bạn đi cùng đoàn xăng xái mua một chiếc kính mát đeo mắt “hàng hiệu” Gucci “Made in Italia” hẳn hoi. Giá những… bốn chục nghìn. Cô nàng hớn hở đeo kính mát đi tìm mua một số mặt hàng Tàu khác, thì tới đâu cô cũng thấy các chị bán hàng rũ ra cười. Ngơ ngác hồi lâu, cô mới phát hiện chiếc kính mình mới mua đã… rớt đâu mất một tròng.

Hàng Trung Quốc có nhiều loại, nhưng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch sang Việt Nam phần lớn là hàng kém chất lượng, trong đó có không ít hàng giả hàng nhái. Giá cực rẻ, nói theo quảng cáo của một “Cty” rao loa rõ to ở chợ Tân Thanh là “Cty chúng tôi chỉ được cái bán hàng rẻ…”, nhưng chất lượng thì cực… kinh khủng. Đã có cả những mặt hàng thuốc Bắc nhập vào VN, trong đó có một loại thuốc tên là  “Đông trùng hạ thảo” được nhiều người VN hâm mộ, nhưng chất lượng thì không bảo đảm, còn sự kiểm định chất lượng thì hoàn toàn không có, nên sẽ rất nguy hiểm cho người dùng là các bệnh nhân. 

Ở Cao Bằng và Lạng Sơn cũng giống như ở nhiều địa phương khác trong nước, hàng kém chất lượng của Trung Quốc sau một thời tràn ngập thì nay cũng đã “giảm tốc”. Nhưng vẫn còn không ít những mặt hàng nằm trong danh mục “hàng nhạy cảm” như thực phẩm, trái cây và thuốc chữa bệnh vẫn được bán bình thường và người mua vẫn mua dùng bình thường, mà không hề được cảnh báo về những nguy cơ của chúng gây ra cho sức khoẻ.

Đi Cao Bằng và Lạng Sơn, tôi được biết chính người Trung Quốc khi sang du lịch ở các địa phương này cũng kiên quyết từ chối không ăn những thực phẩm hay trái cây của nước họ được bán sang Việt Nam, mà chỉ dùng các thực phẩm hay trái cây của Việt Nam. Khi người Trung Quốc “nói không” với thực phẩm và trái cây của chính nước họ , thì chẳng lẽ người Việt Nam lại “nói có” với chúng? 

Với một hàng rào hải quan và kiểm định thực vật lỏng lẻo như hiện nay, thì chuyện những mặt hàng độc hại của Trung Quốc có mặt tại thị trường Việt Nam một cách bình thường cũng là chuyện không thể tránh. Vấn đề là “người tiêu dùng thông minh” của Việt Nam liệu có tự biết và tự tránh không mua, không dùng những mặt hàng ấy hay không? Nói chuyện với một bà cụ hàng nước ở chợ Tân Thanh (nguyên là chiến sĩ của sư đoàn Ba Tơ cũ), bà cụ khuyên chúng tôi không nên mua bất cứ mặt hàng Trung Quốc nào ở chợ này.

Vì theo cụ, đó đều là hàng kém chất lượng. Tôi nghĩ, đó cũng là một cách vận động thiết thực, vì đây là cuộc vận động trong nội bộ người bán hàng và người mua hàng. Bên cạnh cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cũng rất cần một cuộc vận động “Người Việt nói không với những mặt hàng nhập khẩu nguy hại tới sức khoẻ và nòi giống.” Đúng là phải nghĩ xa như vậy, khi có những thực phẩm hay thuốc chữa bệnh độc hại nhập về từ nước ngoài tác động lâu dài tới không chỉ một thế hệ người Việt.

Thanh Thảo

.