"Tăng giá" học phí ?

02:06, 04/06/2009
.

Trong thời điểm giá nhiều mặt hàng thiết yếu bất ngờ đồng loạt tăng giá, từ 5% đến 18%, thì Bộ Giáo dục & Đào tạo lại dự kiến "tăng giá" học phí, bắt đầu từ năm học 2009-2010 này, với mức giá tăng tùy cấp học và tùy trường.

 

Tăng cao nhất vẫn là cấp đại học. Rất nhiều cử tri đã kiến nghị với kỳ họp Quốc hội lần này về dự án "tăng giá học phí", và tất cả ý kiến đều thống nhất đề nghị cần có sự cân nhắc trong thời điểm kinh tế suy thoái, khi Nhà nước đang chủ trương kích cầu nhằm ổn định và phát triển đà tăng trưởng kinh tế, giảm bớt áp lực cho người dân, nhất là những thành phần có thu nhập thấp trong xã hội, thì việc dự định tăng giá học phí dường như đi ngược lại chủ trương đúng đắn này của Chính phủ, bởi nó tác động trực tiếp đến tất cả người dân có con cháu đang đi học, mà số này chiếm phần lớn trong xã hội.

 

 Đã có những cách hiểu rất sai về khái niệm "xã hội hóa" trong đó có "xã hội hóa giáo dục". Bởi "xã hội hóa" không hề có nghĩa là dồn sự đóng góp về phía người dân, nó chỉ kêu gọi sự chú ý và hưởng ứng rộng rãi của xã hội vào một mục tiêu nào đó. Kêu gọi trách nhiệm không đồng nghĩa với sự đóng góp về tiền bạc, vì nhiều khi đóng góp tiền bạc chưa chắc đã dẫn tới trách nhiệm cao.

 

Với giáo dục, thì xã hội hóa đồng nghĩa với ý thức trách nhiệm về giáo dục, nâng cao ý thức và chất lượng giáo dục ở mọi cấp học, phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong sự nghiệp giáo dục. Nói chia sẻ trách nhiệm không đơn giản là chia sẻ tiền bạc, chia sẻ những đóng góp về tiền bạc. Vì tiền bạc nhiều chưa chắc đã có một nền giáo dục tốt.

 

Đã có thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tuy còn nghèo tiền bạc, nhưng do chủ trương đúng đắn về giáo dục, chia sẻ trách nhiệm giáo dục trong toàn dân, và Nhà nước dù kinh phí giành cho giáo dục có eo hẹp nhưng lại động viên được tinh thần và trách nhiệm trong tất cả những công chức của ngành giáo dục, nên chất lượng giáo dục ở thời kháng chiến chống Pháp, và nhất là ở thời kháng chiến chống Mỹ là rất cao.

 

Học sinh thời ấy tuy thiếu thốn mọi bề nhưng không thiếu tinh thần cần cù học tập, và khi đi học họ được Nhà nước miễn học phí, nếu học giỏi còn có học bổng. Những chương trình học thời ấy cũng không quá nặng nề, nhưng hiệu quả học tập của học sinh là tốt. Học đi đôi với hành, và khi học sinh tốt nghiệp trung học hay đại học là đồng nghĩa với một công dân có tinh thần yêu nước, biết làm nghề và làm tốt cái nghề mình đã học. Bây giờ dĩ nhiên đã khác.

 

Nhưng dù khác, thì mục tiêu giáo dục của Nhà nước vẫn không khác, và Nhà nước không hề chủ trương "kinh doanh giáo dục". Giáo dục ở tất cả các nước phát triển trên thế giới này đều là sự phục vụ xã hội ngoài mục tiêu lợi nhuận. Cũng đừng nói là ở những trường có "chất lượng cao" thì học phí nhất thiết phải cao, vì nếu thế thì những học sinh giỏi con nhà nghèo không bao giờ có cơ hội vào những trường như vậy, và như thế thì lấy đâu ra "hiền tài là nguyên khí quốc gia"? Trong giáo dục, tuyệt đối không được mang cơ chế thị trường hay đầu óc kinh doanh vào, vì nó sẽ phá hỏng tất cả.

 Thanh Thảo

.