Xu thế tất yếu

01:06, 21/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi số là một nội dung cơ bản, là xu thế toàn cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Mục tiêu của chuyển đổi số là sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi phương thức làm việc của con người, nâng cao hiệu quả quản trị nguồn nhân lực, năng suất lao động, cho ra đời những sản phẩm hàng hóa đáp ứng thị trường quốc tế, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...
 
[links()]
 
Báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, không chỉ là kênh truyền thông hữu hiệu về những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước đối với công tác chuyển đổi số, mà còn là một trong những ngành, lĩnh vực quan trọng phải thực hiện chuyển đổi số, nên cũng không thể đứng ngoài cuộc. Có như vậy thì báo chí mới theo kịp xu thế phát triển của xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn về vai trò, chức năng của cơ quan báo chí, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của báo chí cách mạng Việt Nam trong xu thế mở cửa hội nhập với quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là cơ quan báo chí của đảng bộ tỉnh. 
 
Chuyển đổi số báo chí không chỉ đơn thuần là đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại là có thể thành công. Mà đi đôi với đó là phải đổi mới mạnh mẽ cả khâu quản trị, sản xuất nội dung trên cơ sở ứng dụng các nền tảng công nghệ số, để mỗi tác phẩm báo chí ra đời thực sự là một “sản phẩm đặc biệt”, không chỉ hàm chứa giá trị về mặt thông tin, mà còn là một sản phẩm của trí tuệ, được bạn đọc và công chúng tìm mua. 
 
Từ thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua cho thấy, để có một sản phẩm báo chí hấp dẫn công chúng, nhất là trong giai đoạn mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công trong quá trình chuyển đổi số của báo chí. Nghĩa là, để báo chí thực hiện thành công chuyển đổi số thì yêu cầu đặt ra là phải đổi mới tư duy làm báo trong thời kỳ công nghệ số và phải bắt đầu từ người đứng đầu cơ quan báo chí, sau đó là của mỗi phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Những yếu tố đó phải được vận hành đồng bộ, liên tục và đảm bảo chất lượng thì câu chuyện chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí mới có thể thành công.
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông..., công tác chuyển đổi số tại cơ quan Báo Quảng Ngãi đã được triển khai thực hiện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là, hệ thống Tòa soạn nội bộ (iNews), sau khi đưa vào vận hành đã góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động cho cơ quan, nâng cao hiệu quả điều hành trong hoạt động tác nghiệp của phóng viên và công tác xuất bản của các phòng chuyên môn, Ban Biên tập. 
 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tác nghiệp, sản xuất tin, bài của phóng viên ngày càng phổ biến và chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là các loại hình báo chí hiện đại trên báo điện tử, như Emagazine, infographic, video... góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền trên báo Quảng Ngãi. Nội dung báo in và báo điện tử, ngoài việc chuyển tải trên các nền tảng truyền thống, còn được cập nhật rộng rãi trên các trang mạng xã hội, như Facebook, Zalo... và ứng dụng quét mã QR để vào báo Quảng Ngãi điện tử... Qua đó, tạo sự tương tác và thu hút đông đảo bạn đọc đến với báo Quảng Ngãi.
 
Chuyển đổi số đối với báo chí là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và không thể chậm hơn nữa. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan báo thì cũng rất cần sự quan tâm của Tỉnh ủy trong công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ tác nghiệp, xuất bản một cách đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là báo điện tử. Có như vậy thì mục tiêu chuyển đổi số đối với báo Quảng Ngãi mới có thể thành công.
 
ĐỨC NGUYỄN
 

.