[Emagazine]. Quảng Ngãi hướng đến phát triển bền vững

09:03, 23/03/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi lựa chọn kịch bản phát triển theo hướng hài hòa, bền vững. Mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là tỉnh công nghiệp với 2 ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim. Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển bền vững và đa dạng, với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các KCN và cụm công nghiệp.
 
[links(right)]

 

Tại hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được phê duyệt, Quảng Ngãi được "đặt lên vai" một sứ mệnh mới, đó là trở thành một cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung. Sứ mệnh, vai trò, vị trí của Quảng Ngãi phải khác, phải làm sao đóng góp xứng đáng trong vùng động lực này, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Trong cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi vẫn phụ thuộc quá nhiều vào lọc dầu và thép. Vì vậy, cần mạnh dạn hơn, tư duy mới, tìm điểm đột phá mới để xây dựng cơ cấu kinh tế, các động lực phát triển mới”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, của vùng giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
 
Khu Kinh tế Dung Quất cùng với cảng nước sâu trở thành khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực là động lực tăng trưởng của Quảng.
Khu Kinh tế Dung Quất cùng với cảng nước sâu trở thành khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực là động lực tăng trưởng của Quảng Ngãi.
“Quy hoạch tỉnh đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược gồm: Quảng Ngãi phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững. Quảng Ngãi là một điểm đến mới, chuyên sâu trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết với TP.Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định, trở thành trung tâm kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Quảng Ngãi, kết hợp với Quảng Nam, phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, kinh tế biển - đảo”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chia sẻ. 
 Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho biết, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển nhanh dựa trên cơ sở tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực đang có sẵn lợi thế. Về dài hạn, tỉnh phân bổ tối đa nguồn lực hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững như: Kinh tế rừng, nông nghiệp tuần hoàn, chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, năng lượng sạch... Định hướng trong thời gian đến, tỉnh sẽ vẫn tập trung phát triển công nghiệp để làm động lực; trong tương lai, nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, xanh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược, 5 vùng liên huyện kết nối, 6 không gian kinh tế động lực. Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực duyên hải, trung du, miền núi và hải đảo của tỉnh.
 
Các không gian kinh tế động lực gồm: Thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận (một phần các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành); trong đó, TP.Quảng Ngãi đóng vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại, dịch vụ, đô thị. Tiếp đến là vùng động lực công nghiệp của tỉnh, gồm huyện Bình Sơn (KKT Dung Quất) và một phần huyện Trà Bồng, một phần huyện Sơn Tịnh là trọng điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần. 
Tiếp theo là khu vực kinh tế sinh thái biển, bao gồm TX.Đức Phổ và huyện Mộ Đức. Phát triển khu vực trở thành trung tâm đầu mối kinh tế sinh thái biển Quảng Ngãi với trung tâm là TX.Đức Phổ, hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực, gắn với công nghiệp hậu cần nghề cá, trung tâm đầu mối, giao thương thủy sản hoàn thành chuỗi giá trị ngành hàng.
 
Đối với khu vực kinh tế rừng xanh, bao gồm các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ. Hình thành các trung tâm kinh tế vùng cao, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi. Riêng hành lang nông nghiệp bền vững, bao gồm các khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi phát triển nông nghiệp xen giữa các khu vực đồi núi thuộc địa giới hành chính của các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, một phần huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ. Hướng tới giảm thâm dụng tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành các hành lang kinh tế hỗn hợp - tuần hoàn.
 
Ngoài ra, đảo Lý Sơn được định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch biển, đảo.
 
Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Bùi Thanh Trung
Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Bùi Thanh Trung
 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, Quy hoạch tỉnh đã xác định 11 quan điểm phát triển, trong đó phát triển hài hòa và bền vững các giá trị xã hội, môi trường và các giá trị kinh tế là yêu cầu xuyên suốt. Giá trị con người và môi trường là mục tiêu cao nhất, là nhân tố trung tâm quyết định của sự phát triển của tỉnh trong tương lai.

 

Nguồn: UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Nguồn: UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh cũng xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá. Trong đó, 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đổi mới sắp xếp không gian phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện xây dựng chính quyền điện tử. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch để từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển, quảng bá văn hóa, lịch sử, di sản Quảng Ngãi. Đảm bảo sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tài nguyên nước; bảo vệ đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (trong ảnh: Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa, chúc mừng 5 cán bộ trẻ được luân chuyển về cơ sở đợt 1 năm 2023). ẢNH: TL
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (Trong ảnh: Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa, chúc mừng 5 cán bộ trẻ được luân chuyển về cơ sở đợt 1 năm 2023). ẢNH: TL
Đối với 4 đột phá gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phân bổ nguồn lực thu được từ công nghiệp hỗ trợ phát triển các lĩnh vực phù hợp hơn với xu thế phát triển của tương lai. Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, tạo động lực cho phát triển; ưu tiên các công trình trọng điểm về giao thông; thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số. Áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên.
 
Nội dung: PHẠM DANH
Trình bày: L.H
 
Xuất bản lúc: 09:03, 23/03/2023