[Emagazine]. Trường Sa là nhà

11:12, 29/12/2022
.

 

 
(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Bác Hồ căn dặn: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?”... “Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Thực hiện theo lời dạy của Bác, chính quyền và ngư dân Quảng Ngãi luôn chung sức, chung lòng vượt qua những trở ngại, khó khăn, một lòng “canh cửa” cho Tổ quốc.

 

 

Đầu tháng 9/2021, tàu của ngư dân Dương Văn Thạch, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) bị phá nước ở phía thân sau và chết máy khi đang cách đảo Lý Sơn chừng 20 hải lý. “Bão Conson đổ bộ. Biển động dữ dội khiến tàu cứ chìm dần và bị sóng cuốn mỗi lúc một xa. Lúc đó, 5 anh em chúng tôi cố bám thật chặt khu vực mũi tàu để giữ cho mình không bị sóng hất văng xuống biển. Hơn 30 năm đi biển, ngang dọc khắp ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, tôi chưa bao giờ trải qua những giây phút căng thẳng, sợ hãi như hôm ấy. Cũng may, là có lực lượng kiểm ngư kịp thời cứu giúp...”, ngư dân Dương Văn Thạch kể lại.
 
Vừa trở về từ “cửa tử”, ngư dân Dương Văn Thạch đã vội vã vay mượn tiền từ họ hàng để sửa tàu, với hy vọng được nhanh chóng trở lại biển khơi. Sau 2 tháng kể từ ngày gặp nạn, ngư dân Thạch cùng 4 bạn chài tiếp tục lên tàu, thẳng tiến ra ngư trường Trường Sa. “Lúc mới được cứu về, người nhà của tôi khóc quá chừng, khuyên nên làm nghề thúng gần bờ, cấm không cho đi vùng biển xa nữa. Nhưng dân biển mà ngại vươn khơi xa, thì làm sao phát triển? Dân biển phải bám biển, bám ngư trường truyền thống thôi!”, ngư dân Đỗ Phòng bày tỏ.
 
Ngư dân Quảng Ngãi đóng tàu lớn và không ngừng hiện đại hóa tàu cá. Hiện, những tàu cá đánh bắt tại Trường Sa của ngư dân Quảng Ngãi đều đạt chiều dài từ 15m trở lên, có chiếc lên đến 28m.  ẢNH: Ý THU
Ngư dân Quảng Ngãi đóng tàu lớn và không ngừng hiện đại hóa tàu cá. Hiện những tàu cá đánh bắt tại Trường Sa của ngư dân Quảng Ngãi đều đạt chiều dài từ 15m trở lên, có chiếc lên đến 28m. ẢNH: Ý THU
Quyết tâm gắn bó với ngư trường truyền thống, bảo vệ từng tấc biển quê hương, ngư dân Trần Hồng Thọ, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu (Bình Sơn) luôn kiên trì bám biển. Từng bị tàu nước ngoài đâm chìm khi đang đánh bắt hợp pháp tại vùng biển Việt Nam vào đầu năm 2020, nhưng đến năm 2022, ngư dân Trần Hồng Thọ vẫn trở lại với nghề biển trên con tàu mới, tiếp tục thẳng tiến ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. “Tiền đóng tàu, phần lớn đều do tôi đi vay mượn. Dù có khó khăn cỡ nào, tôi cũng không từ giã nghiệp biển, không rời bỏ ngư trường truyền thống bấy lâu”, ngư dân Thọ bộc bạch.
 
Đầu năm 2014, tàu cá của ngư dân Ngô Văn Thạnh, ở huyện Lý Sơn không may bị chìm trên biển khiến anh không còn phương tiện để ra khơi hành nghề. Giữa lúc tuyệt vọng vì trắng tay, anh Thạnh được Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi kịp thời cho vay 450 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, anh Thạnh có cơ hội đóng lại chiếc tàu khác để trở lại biển mưu sinh.
 
Cuối năm 2016, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi cũng đã đầu tư cho ngư dân Huỳnh Thạch, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) một tàu vỏ thép trị giá 12 tỷ đồng. Cho đến nay, chủ tàu đã hoàn trả một phần nguồn vốn hỗ trợ. Thuyền trưởng Huỳnh Thạch bày tỏ, lúc nhận tàu, được đặt chân lên sàn tàu vỏ thép bề ngang đến 7m, dài 26m, tôi cứ nghĩ mình đang mơ. Các trang thiết bị, máy móc trên tàu đều hiện đại, vượt xa với tưởng tượng của chúng tôi. Có tàu vỏ thép hiện đại trợ lực, tôi cùng các anh em trên tàu đánh bắt vô cùng thuận lợi, sản lượng đạt được của mỗi chuyến luôn vượt ngưỡng 10 tấn. Vô cùng biết ơn hàng triệu tấm lòng đã chung tay đóng góp, tiếp sức cho ngư dân thông qua Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, chúng tôi sẽ tiếp tục bám biển, tiếp tục đi Trường Sa, để vừa mưu sinh, vừa góp phần giữ biển, đảo cho con cháu mai này.
 
Thành lập từ năm 2011, đến nay, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã huy động trên 110 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho ngư dân hơn 100 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng trăm gia đình ngư dân không may gặp hoạn nạn trên biển có cơ hội khôi phục lại phương tiện sản xuất để tiếp tục bám biển, vươn khơi. Điều đáng quý là, để nguồn quỹ từ 0 đồng tăng lên trên 100 tỷ đồng có sự chung tay đóng góp từ hàng triệu tấm lòng của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh - những người yêu quý tinh thần can trường bám biển của ngư dân Quảng Ngãi và mong muốn góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
 
Góp sức cùng mục tiêu “Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”, tại Nghị quyết số 07 - NQ/TU “về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Gắn hoạt động của các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển; khuyến khích ngư dân mở rộng ngư trường, tham gia đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc”.  Trước đó, Tỉnh ủy khóa XIX cũng đã ban hành nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trên cơ sở nhận thức được tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế biển, thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành một số chủ trương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế biển như: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 1/7/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIX) về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2025. “Bên cạnh những lợi thế để phát triển các ngành kinh tế biển khác, Quảng Ngãi có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển ngành khai thác hải sản. 
 
Quảng Ngãi là một trong những địa phương có đội tàu thuyền khai thác hải sản lớn, với hơn 4,5 nghìn tàu cá và khoảng 38 nghìn lao động nghề cá; ngư dân Quảng Ngãi có truyền thống vươn khơi bám biển từ lâu đời. Do đó, trong thời gian đến, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn, hiện đại; củng cố hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá; khuyến khích ngư dân mở rộng ngư trường, đánh bắt xa bờ, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc; chấp hành đúng quy định của pháp luật nước ta và các nước khi tham gia đánh bắt trên biển”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.
 
Những nghị quyết được Tỉnh ủy ban hành là cơ sở để UBND tỉnh xây dựng những cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế biển nói chung, đồng thời giúp ngư dân làm giàu từ biển. Qua đó, tạo thuận lợi cho quá trình phát triển đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ, đầu tư hoàn thiện hạ tầng nghề cá, thúc đẩy kinh tế biển phát triển, làm cho ngư dân càng thêm vững tin bám biển, bởi sau lưng họ có những điểm tựa vững chắc.
 
Nội dung: HOÀNG HÀ - Ý THU - ĐỨC THUẬN
Trình bày: L.H
 
[links()]
Xuất bản lúc: 11:12, 29/12/2022