Cụ ông hơn 10 năm ròng chôn cất thai nhi

04:01, 08/01/2022
.

(Baoquangngai.vn)- Ở cái tuổi gần 80, thay vì vui thú điền viên cùng con cháu thì cụ ông Lê Hữu, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) lại chọn cho mình một công việc đặc biệt, đó là nhận chôn cất những thai nhi xấu số.
[links()]

Ngày cuối đông, trời mưa lất phất. Nhận được cuộc điện thoại từ một bác sĩ, cụ Hữu lại tức tốc tròng vào chiếc áo khoác, đội mũ bảo hiểm, dắt xe hướng về bệnh viện để nhận thai nhi xấu số về chôn cất. Cụ Hữu bảo, bất kể ngày đêm hay thời tiết thế nào, nghe tin có thai nhi bị bỏ là tôi tranh thủ đến nhận về chôn cất, để giúp chúng có chỗ an nghỉ đàng hoàng.

Các bác sĩ ở bệnh viện dường như đã quá quen với hình ảnh cụ ông tóc bạc trắng, dáng người gầy gò, nhỏ bé thường xuất hiện ở khoa sản bệnh viện, hay đến các thùng rác để lục tìm thai nhi bị bỏ rơi nên cứ có thông tin về mẹ bỏ rơi con, hay thai nhi bị bỏ… là gọi về số máy của ông.

Hơn 10 năm về trước, trong một lần xem truyền hình, cụ Lê Hữu biết được đất nước mình có tỷ lệ nạo phá khai khá cao. Và đa phần những thai nhi đó không được chôn cất đàng hoàng. Đây là lý do thôi thúc cụ Hữu bước vào hành trình đầy gian nan. Cụ quyết định lập ra Nhóm Bảo vệ sự sống Giáo xứ Quảng Ngãi vừa giúp chôn cất thai nhi, vừa tuyên truyền khuyên nhủ các mẹ bầu lầm lỡ, để những đứa trẻ vô tội ấy được ra đời.

Tôi theo chân cụ Hữu đến nghĩa trang Truông Ổi, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Đây là nơi suốt hơn 10 năm qua, cụ ông 76 tuổi vẫn đều đặn ghé đến để thắp hương, quét dọn và lo việc chôn cất cho những sinh linh xấu số. Những nấm mộ thai nhi được chôn cất sát nhau, lọt thỏm giữa những ngôi mộ lớn trên một khu đất nhỏ với diện tích chưa đầy 10 mét vuông mà ban đầu cụ mua với giá 20 triệu đồng.

Từng ngôi mộ nhỏ được đánh số thứ tự, ghi rõ tuổi thai để tiện cho việc quản lý, vừa giúp bố mẹ của đứa trẻ nhận biết khi muốn đến thăm viếng đứa con không được chào đời của mình. “Có những lúc đi chôn thai nhi mà mình đi trước, thân nhân của bé vẫn lặng lẽ theo sau. Vì một lý do nào đó, họ không thể giữ lại đứa con của mình nhưng những lần ghé đến thấy trên mộ có hộp sữa, cái bánh, hay vài thứ đồ chơi là tôi biết họ có nhớ, thương và đến thăm con”, cụ Hữu bộc bạch.

Năm 2010, cụ Hữu và các thành viên trong nhóm đã nhặt về đứa trẻ tật nguyền bẩm sinh bị bỏ rơi, nhận nuôi và đặt cho số thứ tự A1. Những đứa trẻ tiếp theo được đem về lại viết tiếp những con số thứ tự từ A2 nhưng chúng kém may mắn hơn khi không thể mở mắt ngắm nhìn cuộc đời mà phải nằm sâu dưới những lớp đất. Đến nay sau 11 năm, con số thứ tự ấy đã viết đến A166, tức là 165 sinh linh được cụ Hữu nhặt về đây chôn cất.

Cụ Hữu đưa mắt nhìn về phía xa như đang hồi tưởng về một điều gì đó. Khóe mắt ánh lên dòng lệ, cụ Hữu cho biết, những đứa trẻ ở đây có đứa lớn vài tháng đã thành hình người, đứa nhỏ thì cũng chỉ là những cục máu. Nhưng một thai nhi dù lớn hay nhỏ vẫn là một con người, nên mỗi lần nhận xác đi chôn cất cụ đều không khỏi xót xa. Cho đến giờ, cụ Hữu vẫn nhớ như in khoảnh khắc lúc nhận về thai nhi đầu tiên để đi chôn là A2, vào 11 năm trước. 

Làm công việc chôn cất thai nhi, nhưng cụ Hữu lại rất sợ khi nhìn thấy số điện thoại của bác sĩ gọi đến lấy thai nhi. Bởi sau mỗi cuộc gọi là lại có một sinh mạng chưa kịp bắt đầu đã phải kết thúc, cụ lại phải đánh thêm một số thứ tự vào những nấm mồ trống đang chờ sẵn.

Ngoài những hôm có thai nhi chôn cất, mỗi tháng vào ngày rằm và mùng một, cụ ông Lê Hữu cùng một số thành viên trong nhóm Bảo vệ sự sống Giáo xứ Quảng Ngãi lại thay nhau lên thăm mộ, thắp hương, hoa cho các thai nhi. Chi phí chôn cất, hương hoa cho các thai nhi tại nghĩa trang được các thành viên trong nhóm cùng mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ trang trải.

Trong những làn khói hương nghi ngút, nơi nghĩa trang quạnh hiu, lạnh lẽo ấy như được sưởi lên hơi ấm. Hơi ấm thầm lặng của sự đồng cảm, sẻ chia. Hơi ấm của tình người.

"Trước đây, ông Lê Hữu có tham gia công tác tại Chi hội Nông dân của tổ dân phố. Dù lúc đó chưa có phụ cấp nhưng ông Hữu vẫn hoạt động rất nhiệt tình, chỉ những hôm bận đi chôn cất thai nhi thì ông Hữu mới vắng mặt trong các cuộc họp. Cho đến cách đây chừng 7,8 năm vì lí do sức khỏe yếu, ông Hữu đành dừng công việc tại Chi hội nhưng vẫn tiếp tục đồng hành cùng những thai nhi xấu số. Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, ông Lê Hữu là một trong những giáo dân nêu gương sáng với những việc làm thiết thực giúp đời."

Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo ĐẶNG NGỌC THANH

 

Không chỉ giúp chôn cất để thai nhi, cụ Hữu cùng các thành viên nhóm còn nỗ lực để giữ lại sinh mạng cho những đứa trẻ. Cụ Hữu chia sẻ: Tôi phân công cho các thành viên trong nhóm làm nhiệm vụ khuyên bảo những người mẹ có ý định từ bỏ con của mình. Các thành viên đóng vai là người đi phá thai để tìm hiểu câu chuyện của những người mẹ. Hiểu rõ hoàn cảnh, sự tình rồi thì mình cũng dễ lựa lời, tìm cách để khuyên nhủ.

Ngày trước, nhóm có một ngôi nhà ở thôn Điền Hòa, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) để nuôi mẹ bầu lầm lỡ. Đây là những người con gái vì tin lầm người, bị phụ tình rồi vì thể diện của gia đình mà muốn bỏ đi đứa con trong bụng. Sau khi khuyên nhủ được họ từ bỏ ý định, nhóm sẽ đưa về nhà chăm sóc tận tình cho đến khi mẹ tròn con vuông. Mỗi một người mẹ đến sống trong nhà đều phải đồng ý cam kết ở lại với con trong ít nhất một tháng sau sinh. Để gắn kết, khơi gợi lên tình cảm mẫu tử thiêng liêng. May ra giúp họ hồi tâm chuyển ý, mà không bỏ rơi đứa trẻ vừa chào đời.

Ngôi nhà được xây lên từ số tiền tài trợ của mạnh thường quân trên mảnh đất mà một hội viên trong nhóm cho mượn đã nuôi được tám mẹ bầu lầm lỡ. Sáu trong tám người mẹ sau một thời gian gắn bó đã không nỡ bỏ con mà đem theo về. Hai đứa trẻ bị bỏ lại đều đã được nhận nuôi, nay cũng chừng 5 - 6 tuổi, xinh xắn, đáng yêu và đang sống hạnh phúc bên gia đình mới của mình. Vậy là chúng tôi đã thành công giữ lại được 8 sinh mạng, mở ra 8 cuộc đời mới, cụ Hữu phấn khởi.

Bài, ảnh: THANH NHÀN

Xuất bản lúc: 04:01, 08/01/2022