Đảng mãi trong tim (kỳ 2)

05:10, 19/10/2021
.
 

Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng được coi là trận cuồng phong lớn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử đất nước. Nó đã cuốn đi bao dự định và làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, địa phương trong cả nước, có thời điểm tưởng chừng chúng ta không sao gượng dậy được. Nhưng rồi, với tinh thần: “chống dịch như chống giặc” như lời chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều cán bộ, đảng viên ở Quảng Ngãi đã tiên phong lên tuyến đầu chống dịch, với quyết tâm hết dịch mới quay về nhà… 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh tặng hoa, động viên các y, bác sĩ trẻ lên đường chi viện cho TP.Hồ Chí Minh tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh tặng hoa, động viên các y, bác sĩ trẻ lên đường chi viện cho TP.Hồ Chí Minh tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

 

Bác sĩ Trần Thị Bích Tuyến là một trong số 30 y, bác sĩ ở tuyến đầu tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2) là một trong những điển hình như thế. Chồng bác sĩ Tuyến cũng công tác trong ngành y nên phải tham gia trận chiến này. 
 
Để lên đường làm nhiệm vụ của người chiến sĩ áo trắng, bác sĩ Tuyến đành gửi hai con nhỏ cho hàng xóm trông coi. "Đã là đảng viên thì phải gương mẫu làm tất cả mọi việc gì khi Tổ quốc và nhân dân cần", bác sĩ Tuyến nói. 
 

Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2) chỉ có 5 bác sĩ nên mỗi ngày một bác sĩ phải thăm khám, điều trị cho từ 40 - 60 bệnh nhân. Họ làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm; mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, nhưng trên khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười để làm điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân Covid-19.

“Có những hôm đêm khuya, ngồi canh giấc ngủ cho bệnh nhân, tôi cũng như bao đồng nghiệp trẻ rất nhớ nhà và thương con da diết, nhưng cũng đành nuốt nước mắt vào lòng. Rồi tự động viên nhau, dịch bệnh cũng sẽ sớm qua đi, cuộc sống bình thường cũng sẽ trở lại với mọi người, mọi nhà…",  bác sĩ Tuyến bộc bạch. 
 
Đại dịch Covid-19 là một cuộc chiến thật sự. Dẫu không có tiếng súng nhưng cũng đã có nhiều đồng chí và người dân của chúng ta phải ra đi mãi mãi; chỉ trong chốc lát mà nhiều gia đình đã vĩnh viễn mất đi người thân, nhiều em thơ không còn bố mẹ.
 
Và trong những lúc gian nguy đó, các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN)… luôn có mặt moi lúc, mọi nơi, tất cả vì sự an toàn cho sức khỏe người dân. Họ đến với người dân không chỉ vì trách nhiệm, mà còn là nghĩa đồng bào, đồng chí đã ăn sâu vào trong máu thịt của mỗi người dân nước Việt.  
 
Đầu tháng 9/2021, dịch Covid-19 bùng phát tại xã ven biển Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), với hơn 19 nghìn dân bị phong tỏa. Thế là, gần 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân, ĐVTN được huy động để làm nhiệm vụ tại 12 chốt kiểm soát. Dẫu thực thi nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, buổi sáng, trời nắng nóng, áo các anh ướt đẫm mồ hôi; chiều lại, cơn mưa đổ xuống, các anh phải co ro trong đêm lạnh, nhưng không một ai rời chốt. Khi kim đồng hồ nhích về phía 0 giờ, mọi người chìm trong giấc ngủ, nhưng các anh vẫn miệt mài với công việc được giao. Các anh hiểu rằng, chỉ một phút lơ là có thể gây thêm khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. 
 
Chiến sĩ Vũ Phạm Nhật Tân, Công an xã Nghĩa An tâm sự: “Gần 1 tháng xa nhà, anh em phải làm việc 24/24 giờ, nhưng tất cả đều động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao”. 
Noi gương Bác, ĐVTN ở làng chài nghèo thôn Phước Thiện 1, xã Bình Hải (Bình Sơn) luôn tiên phong nhận việc khó về mình, coi việc chăm lo đời sống người dân là trách nhiệm của tuổi trẻ. 
 
Hơn 2 giờ sáng, khi mọi người còn đang ngon giấc thì tại nhà của Bí thư Chi đoàn thôn Phước Thiện 1, Nguyễn Văn Thành đã rộn ràng tiếng nói, cười. Hơn 3 năm qua, cứ vào sáng ngày mùng 1 và 15 âm lịch, bếp ăn từ thiện lại đỏ lửa ở nhà anh Thành, để nấu cháo bữa sáng cho 160 cụ già.
 
Khi dịch Covid-19 bùng phát, ĐVTN ở thôn Phước Thiện 1 lại xông pha vận động kinh phí để nấu bữa sáng, cơm trưa phục vụ người dân ở các khu phong tỏa. “Ở quê, các cụ thường dậy sớm để ăn sáng, nên chúng tôi phải dậy sớm nấu, rồi 5 giờ mang đến tận nhà cho các cụ”, anh Thành cho biết. 
 
Theo chân anh Thành, chúng tôi đến thăm cụ Hồ Thị Hoa, có nhà ở cuối con đường chật hẹp. Lúc này chưa đến 6 giờ sáng, nhưng cụ Hoa đã ngồi trước hiên nhà chờ nhận bữa sáng do các bạn ĐVTN trong thôn mang đến. 
 
Cụ Hoa có hoàn cảnh rất đáng thương. Năm nay hơn 80 tuổi, nhưng cụ phải nuôi một người con trai bị bệnh tâm thần. Cách đây 3 năm, hằng ngày cụ đi xin ngoài chợ để nuôi sống hai mẹ con. Còn nay thì được ĐVTN trong thôn nhận đỡ đầu nên cuộc sống đỡ khó khăn hơn. 
 
Không chỉ chăm lo bữa sáng cho các cụ già neo đơn, anh Thành cùng các ĐVTN trong thôn còn tham gia phụ xe thu gom rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường để làng quê sạch đẹp và thực hiện công trình điện thắp sáng đường quê. 
 
“Mình là đảng viên trẻ nên phải tiên phong đi đầu trong mọi phong trào để các em noi gương, qua đó tập hợp ĐVTN chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp", anh Thành chia sẻ.
 
Còn đảng viên trẻ Đào Nhật Sơn, hiện công tác tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là một công chức trẻ tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện ở Quảng Ngãi. Chẳng kể ngày đêm, mưa nắng, khi tiếp nhận thông tin cần máu cứu người từ các bệnh viện, anh Sơn đều có mặt để chia sẻ giọt máu hồng. 
 
Đến nay, anh Sơn đã có 50 lần hiến máu và hiến tiểu cầu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Facebook, với hơn 500 thành viên tham gia. Chị Quảng Thị Hồng Diệu, thành viên của Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Facebook chia sẻ: "Sơn là người truyền cảm hứng, kết nối nhiều ĐVTN tham gia hiến máu tình nguyện ở Quảng Ngãi".
 
Không chỉ xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, tuổi trẻ Quảng Ngãi còn cần mẫn, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, mang đến cuộc sống ấm no cho đồng bào vùng cao. Vượt chặng đường hơn 100 km, chúng tôi đến Làng Thanh niên lập nghiệp ở xã Sơn Bua (Sơn Tây) và thật sự ngỡ ngàng trước những đổi thay ở nơi đây. Vùng đồi núi cằn cỗi năm nào giờ được phủ xanh bởi cây rừng, ruộng lúa nước và những ngôi nhà xây dựng kiên cố, đường vào làng đã được bê tông. Tiếng trẻ thơ reo cười, ríu rít gọi nhau.
 
Người góp công “làm sống” lại vùng đất này là đảng viên Đỗ Minh Vương. Anh đã xung phong lên khởi nghiệp ở vùng đất mới này. Sau 2 năm, gia đình anh đã xây dựng được mô hình vườn – ao - chuồng, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế.
 
Đảng viên Đỗ Minh Vương lập nghiệp và trở thành

Đảng viên Đỗ Minh Vương lập nghiệp và trở thành "chuyên gia" nông nghiệp tại Làng Thanh niên lập nghiệp xã Sơn Bua (Sơn Tây).

Trên mảnh đất 1.200m2, vợ chồng anh Vương làm chuồng trại nuôi gần con 200 heo ky, gà, vịt, chim bồ câu Pháp và trồng nhiều loại cây ăn quả như bưởi, chuối, chery Mỹ, ổi, lê Đài Loan… 
 
Anh Vương cũng là người vận động, thay đổi cách nghĩ trong phát triển kinh tế gia đình của hàng chục hộ dân là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Từ chỗ không một ai muốn vào làng, đến nay anh Vương đã vận động được 29 hộ dân, trong đó có 22 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số xung phong vào làng lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đây, anh Vương đã trở thành “chuyên gia” nông nghiệp của làng, nhiệt tình hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. 
 “Là đảng viên nên tôi nghĩ mình phải gương mẫu đi đầu để người dân tin tưởng làm theo. Tôi sẽ cố gắng phát triển kinh tế gia đình, hướng dẫn người dân cách làm ăn mới để giảm nghèo bền vững. Ngày đầu vào đây, cả làng chỉ mỗi nhà tôi cheo leo giữa đồi núi, hạ tầng chưa hoàn thiện, vất vả trăm bề. Giờ thì làng đã đông hơn, tất cả đều phấn khởi với cuộc sống mới nơi đây”, anh Vương phấn khởi nói.
 
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Cao Lê Tùng Nghĩa, để xứng đáng với thành quả cách mạng mà thế hệ cha ông để lại, tuổi trẻ Quảng Ngãi quyết tâm gìn giữ và phát huy những thành quả đã đạt được; luôn phấn đầu trở thành lực lượng vừa hồng, vừa chuyên; tiên phong đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần đưa quê hương, đất nước phát triển bền vững.
 
“Đã là tuổi trẻ thì phải cống hiến tuổi thanh xuân của mình để làm những việc tốt nhất, có ích nhất cho cộng đồng, xã hội”, Bí thư Tỉnh đoàn Cao Lê Tùng Nghĩa nhắn nhủ. 
 

Người Quảng Ngãi là thế đó, kiên cường, bất khuất trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong xây dựng cuộc sống mới. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình yêu đối với Đảng, với Bác Hồ, đối với quê hương, đất nước vẫn mãi trong tim mỗi người và là ngọn đuốc soi đường đi tới tương lai tươi đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi. 

[video(69291)]

Bài, ảnh:  P.LÝ
Quay phim: ÁI KIỀU - M.LỰC
Thiết kế, trình bày: L.H
 
 
[links()]
Xuất bản lúc: 05:10, 19/10/2021