Như gặp quê hương ở Tây Hồ

10:03, 24/03/2019
.

 

(Báo Quảng Ngãi)- Saiko tức Tây Hồ, thuộc Phú Sỹ Ngũ Hồ, nằm ở phía nam tỉnh Yamanashi, cách Tokyo (Nhật Bản) hơn hai giờ xe bus. Cạnh Tây Hồ có một ngôi làng mang tên Ashiwada. Hàng nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới đã đến ngôi làng được xem như “bảo tàng ngoài trời” này để hiểu thêm về nước Nhật đã từng trải qua một thời nghèo khó. Tôi như gặp lại ngôi làng của mình với tất cả nỗi cơ hàn của một quá khứ chưa xa.

Từ thảm họa

Làng chỉ vỏn vẹn 41 nóc nhà, nhưng nó như một nước Nhật nông thôn thu nhỏ những năm 60 của thế kỷ trước. Cơn bão vào tháng 9.1966 đã quét qua ngôi làng này kèm theo trận lũ bùn từ đỉnh núi sau làng ập xuống, vùi lấp hoàn toàn 41 ngôi nhà xinh xắn nép mình trong cánh rừng thông bạt ngàn của vùng đồi cạnh Tây Hồ này. Năm đó, nước Nhật đã thoát ra cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 được 21 năm. Đó là quãng thời gian đủ để nước Nhật gượng dậy và tạo nên những chuyện thần kỳ. Thế nhưng, thảm họa đã xảy ra vượt khỏi tầm kiểm soát và dự báo của những phương tiện tối tân nhất của người Nhật lúc đó.

 Đường dẫn về làng Ashiwada. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Đường dẫn về làng Ashiwada. Ảnh: TRẦN ĐĂNG


Nằm ở nơi thường xuyên động đất, sóng thần, núi lửa và bão lũ, nên công tác dự báo thảm họa là một nhiệm vụ luôn được nước Nhật ưu tiên hàng đầu. Ấy thế mà cơn bão kèm theo nó là trận lũ quét đã nhấn chìm ngôi làng xinh xắn ấy trong bùn đất, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Người Nhật đã xem đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất mà thiên nhiên gây ra cho đất nước của mình. Từ trong đổ nát của những đớn đau ấy, người Nhật đã “phục sinh” cho ngôi làng bằng một “bảo tàng ngoài trời”. Thông qua những hiện vật được bày biện trong mỗi căn nhà, du khách sẽ gặp một nước Nhật cách nay chừng 5 - 6 thập kỷ.

Như gặp ở quê nhà

Từ điểm cuối của Tây Hồ, đi ngược về hướng núi chừng 500m, men theo con đường làng rực rỡ những sắc màu của đủ các loại hoa vào mùa hè là gặp ngôi làng này. Theo người hướng dẫn viên của khu bảo tàng ngoài trời, thì người ta đã phục dựng gần như nguyên vẹn ngôi làng trước khi xảy ra thảm họa vào tháng 9.1966.

Những người làm công tác bảo tàng rất có chủ ý trong việc bày biện các loại hiện vật liên quan đến lịch sử của ngôi làng. Tại ngôi nhà trung tâm, một bộ phim giới thiệu về lịch sử ngôi làng được trình chiếu liên tục. Trong phim, người ta đã lồng những tư liệu về trận lũ đã xóa sổ ngôi làng, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn ngay tại thời điểm xảy ra sự cố.

 


Tôi sinh ra ở nông thôn, nên đi đâu cũng hay tò mò xem các loại nông cụ phục vụ. Và tôi như muốn reo lên khi bắt gặp hàng loạt những nông cụ trong từng ngôi nhà của ngôi làng này. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, không tìm hiểu về lịch sử ngôi làng, bạn rất dễ nhầm đó là những nếp nhà tranh của người Việt cách nay chừng 40 - 50 năm. Những vật dụng trong nhà hoặc người ta cố ý “quăng” chúng vào xó hè, chúng bừa bộn y chang ngôi nhà ở nông thôn Việt. Này là chiếc thoi dệt vải, kia là những chiếc cối giã gạo với đầy đủ giần, sàng, nong nia thân thuộc.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc máy tuốt lúa bán tự động mà mình đã từng sử dụng trước khi tôi rời làng đi xa. Những chiếc “răng” được làm bằng dây kẽm gai đính vào trục quay để tuốt lúa, không khác gì chiếc máy tuốt lúa của làng tôi những năm 80 của thế kỷ trước.

Hồi ấy, từ việc đập lúa bằng bồ hoặc trành tre rất tốn sức và mất công chuyển sang tuốt lúa bằng chiếc máy bán tự động là một bước “nhảy vọt” về kỹ thuật trong thu hoạch nông sản. Không ít người thầm khen cho sáng kiến này của những người thợ cơ khí. Hóa ra người Nhật đã làm trước chúng ta cả mấy thập niên rồi.

Dạo một vòng quanh ngôi làng, tôi còn được chứng kiến những chiếc cối giã, lợi dụng sức nước để giã gạo như các dân tộc ở Tây Bắc nước ta. Ngay cả chiếc quạt lúa (giê lúa) cũng được những người nông dân Nhật Bản làm rất khéo léo, cả mỹ thuật lẫn kỹ thuật. Trong mỗi căn nhà ấy cũng có bếp và bàn dọn ăn cùng mấy chiếc ghế ngồi cũ kỹ y như vùng nông thôn Việt Nam. Nhìn vào đó như thấy bóng dáng của những bà mẹ nghèo ở quê nhà đang lúi húi lo cho đàn con bữa cơm chiều sau một ngày làm đồng vất vả.

 Hồ Saiko tức Tây Hồ cạnh làng Ashiwada. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Hồ Saiko tức Tây Hồ cạnh làng Ashiwada. Ảnh: TRẦN ĐĂNG


Phục sinh ngôi làng cũ là để nhắc nhở về một thảm họa cần phải cảnh giác trước thiên nhiên mỗi khi chúng nổi cơn thịnh nộ, nhưng cũng là để nhắc lại nỗi cơ hàn của một thời gian khó chưa xa của người Nhật.

Nước Nhật chỉ cần hai thập kỷ là thoát khỏi những chiếc máy tuốt lúa thô sơ để thành một quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới. Giàu có là thế, nhưng nước Nhật chẳng bao giờ chối bỏ gốc gác của mình. Phẩm chất ấy rất đáng để mọi người Việt suy ngẫm.

 TRẦN ĐĂNG


 

Xuất bản lúc: 10:03, 24/03/2019