Nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá tài sản

04:08, 18/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, hoạt động đấu giá tài sản (ĐGTS) từng bước đi vào nền nếp, đóng góp vào nguồn thu ngân sách, bảo đảm quyền lợi cho cá nhân, tổ chức có tài sản được đấu giá...
 
[links()]
 
Đến nay, Quảng Ngãi có 3 tổ chức ĐGTS là Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh (Sở Tư pháp) và 2 doanh nghiệp ĐGTS. Trong đó có 5 chi nhánh hoạt động, với 10 đấu giá viên đăng ký hành nghề. 
 
Kể từ khi Luật ĐGTS năm 2016 có hiệu lực, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh đã triển khai bán đấu giá thành công nhiều loại tài sản. Đồng thời, ký kết hợp đồng với các đơn vị như trung tâm phát triển quỹ đất, ngân hàng, cơ quan thi hành án dân sự, phòng tài chính - kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố... thực hiện ĐGTS và tạo được uy tín trong hoạt động này.
 
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh luôn bảo mật tuyệt đối thông tin, chống thông đồng, dìm giá trong cuộc đấu giá tài sản.
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh luôn bảo mật tuyệt đối thông tin, chống thông đồng, dìm giá trong cuộc đấu giá tài sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh đã thực hiện 510 cuộc đấu giá, với tổng giá khởi điểm hơn 292 tỷ đồng. Tổng số tiền đấu giá được hơn 408 tỷ đồng. Đơn cử như thực hiện hợp đồng dịch vụ ĐGTS với Sở Tài chính, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh đã đấu giá thành công tài sản trên đất và quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà đất tại số 73 đường Phan Đình Phùng (TP.Quảng Ngãi), với giá khởi điểm hơn 3 tỷ đồng, giá trúng đấu giá trên 5 tỷ đồng.
 
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Nguyễn Văn Tân cho biết, trong mỗi phiên đấu giá, trung tâm luôn bảo đảm tính khách quan, công bằng, thực hiện đúng quy định pháp luật; giúp khách hàng hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, chấp hành sự điều hành của đấu giá viên. Trung tâm luôn bảo mật tuyệt đối thông tin, chống thông đồng, dìm giá trong các cuộc ĐGTS. Các đơn vị được giao tổ chức thực hiện đấu giá cơ bản làm tốt quy trình lựa chọn tổ chức đấu giá, ký kết hợp đồng dịch vụ; giám sát tổ chức đấu giá và cuộc đấu giá. Đồng thời, trình cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng mua bán, phê duyệt kết quả ĐGTS và gửi thông báo tổ chức cuộc đấu giá về Sở Tư pháp để theo dõi, giám sát theo quy định.
 
Trên thực tế, hoạt động ĐGTS có tính chất phức tạp, thường xuyên biến động. Dù quy định của pháp luật về ĐGTS đã được ban hành đầy đủ và kịp thời, nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn về thời hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá và thời hạn nộp tiền đặt trước chưa thống nhất. Việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá đôi lúc chưa sát với giá thị trường. Một số cơ quan, người có tài sản đấu giá chưa thực hiện đúng các quy định về lựa chọn tổ chức ĐGTS. Công tác thanh, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên và việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động ĐGTS đôi lúc còn lúng túng... Nguyên nhân là do quy trình, quy chuẩn thẩm định giá và xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá còn nhiều bất cập, đặc biệt là quyền sử dụng đất. Một số quy định của Luật ĐGTS còn khó thực hiện, chưa đảm bảo tính hiệu quả cho việc tổ chức thực hiện...
 
Theo Trưởng phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) Nguyễn Cao Nguyên, thể chế là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng quản lý hoạt động ĐGTS. Vì thế, trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật ĐGTS, Sở Tư pháp đã đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Luật ĐGTS năm 2016, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động ĐGTS. Đồng thời, Sở Tư pháp cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động ĐGTS tại các tổ chức bán đấu giá; tập huấn chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ đấu giá viên... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác ĐGTS trên địa bàn tỉnh.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
 

.