Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo

09:12, 30/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, một số trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo thông qua hình thức gửi tin nhắn chứa đường link giả mạo trang web của ngân hàng; giả trang Zalo, Facebook của người thân, bạn bè để mượn tiền... 
[links()]
 
Theo các ngân hàng, từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục trường hợp khách hàng bị lừa đảo. Đơn cử như trường hợp của chị Cao Thị H, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), nhận được cuộc gọi và tin nhắn mạo danh của cán bộ hải quan đề nghị chuyển tiền thuế và phí để nhận hàng của người thân ở nước ngoài gửi về. Chị H tin theo lời của đối tượng lừa đảo, cầm tiền đến Agribank Sa Huỳnh để nộp 125 triệu đồng. Rất may là cán bộ Agribank nhận thấy có dấu hiệu bất thường, nên đã kịp thời giúp chị H không bị mất tiền. “Gia đình có người thân ở nước ngoài, nên khi nghe lời nói của người tự xưng là cán bộ hải quan nên tôi mới tin. Cũng nhờ cán bộ ngân hàng chứ không thì tôi đã bị mất số tiền lớn rồi”, chị H chia sẻ.
 
Người dân không được cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OPT cho những người không quên biết.         Ảnh: PV
Người dân không được cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OPT cho những người không quên biết. Ảnh: PV
Với chiêu thức giả mạo trang Facebook của người thân, mới đây, kẻ gian đã lừa đảo, chiếm đoạt của chị Huỳnh Thị Kim C, ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) số tiền 3 triệu đồng. Chị C cho biết, do thông tin, hình ảnh cá nhân và tài khoản trùng khớp với tên của người dì ruột, nên tôi mới tin tưởng mà không kiểm chứng. Sau đó, tôi gọi điện cho dì hỏi đã nhận được tiền chưa, mới hay mình bị lừa. Tôi xem lại tài khoản Facebook, nhưng kẻ gian đã xóa.
 
Ngoài ra, kẻ gian còn lừa đảo bằng cách gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng có chứa đường dẫn giả mạo, với nội dung thông báo nâng cấp hệ thống, trúng thưởng... rồi yêu cầu khách hàng truy cập vào các website, hoặc đường link giả. Nếu khách hàng truy cập đường dẫn, cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền từ tài khoản. Gần đây, kẻ lừa đảo dùng chiêu thức giả chuyển khoản nhầm để ép chủ tài khoản đã nhận trả lãi suất cao.
 
Giám đốc BIDV Quảng Ngãi Nguyễn Văn Hùng cho biết, thông thường các đối tượng lừa đảo dùng các đường link giống đường link của các ngân hàng, nhưng chỉ thêm vô một ký tự lạ, nên dễ đánh lừa người dùng. Thực tế, các ngân hàng thương mại đã liên tục cảnh báo khách hàng về tình trạng lừa đảo giả mạo tin nhắn chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng. Thế nhưng, các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý, sự bất cẩn... nên vẫn có người sập bẫy.
 
Theo các ngân hàng, cuối năm là thời điểm hoạt động mạnh của các đối tượng lừa đảo. Do đó, khách hàng cần cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân. 
 
Thực tế không có ngân hàng nào gửi đường link trang web yêu cầu khách hàng thực hiện các thao tác trên. Cần cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này. Không cung cấp thông tin cá nhân gồm số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, thông tin ngân hàng điện tử cho bất cứ ai... để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin và sử dụng trái phép. Không lưu tự động thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử trên bất cứ máy tính và trình duyệt web nào. Không đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch mua bán hàng trực tuyến.
 
HỒNG HOA
 
 

.