Bạo lực gia đình: Nỗi đau không của riêng ai

03:12, 13/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bạo lực gia đình (BLGĐ) không chỉ gây ra tổn thương cho người bị bạo lực, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của các thành viên trong gia đình và là nguyên nhân dẫn đến gia đình tan vỡ. Do đó, các cấp chính quyền, các đơn vị, hội đoàn thể cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống BLGĐ.

TIN LIÊN QUAN

Trong 10 năm qua (2008-2018), các cấp, ngành, hội đoàn thể trong tỉnh đã chung tay tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật về Luật Phòng, chống BLGĐ... đến với cán bộ và nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có những việc làm cụ thể trong phòng, chống BLGĐ. Đó là, lồng ghép tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở các cấp. Nhiều địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình phòng, chống BLGĐ; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Nuôi dạy con tốt”...

Tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, sẽ góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình. Trong ảnh:  Người dân chăm sóc vùng nguyên liệu chè Minh Long.Những con số đau lòng
Tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, sẽ góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình. Trong ảnh: Người dân chăm sóc vùng nguyên liệu chè Minh Long.


Hội LHPN tỉnh cũng đa dạng hóa các hình thức truyền thông, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hòa giải các vụ mâu thuẫn trong gia đình, thành lập và duy trì trên 1.700 mô hình, hơn 430 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; huy động vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm thiểu BLGĐ.

Tuy nhiên, vấn nạn BLGĐ vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình, kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, ghen tuông...

Phó Ban Dân vận huyện Lý Sơn Võ Thị Phi chia sẻ: Trước đây, tôi có thời gian công tác tại Hội LHPN huyện. Để góp phần hạn chế phát sinh những vụ BLGĐ, hằng năm, cơ quan đều chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân. Tổ chức hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ, gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Luật Bình đẳng giới... Từ đó, góp phần hạn chế nạn BLGĐ trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cho rằng, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền Luật  Phòng, chống BLGĐ; gắn nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tăng cường thanh tra, kiểm tra, truy tố xét xử các vụ án liên quan đến BLGĐ. Cùng với đó, các huyện, thành phố trong tỉnh cần đầu tư nguồn lực để đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền công tác phòng, chống BLGĐ ở cơ sở.

Những con số đau lòng

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, trong 10 năm (2008 – 2018), Quảng Ngãi xảy ra 3.600 vụ BLGĐ. Trong đó, bạo lực thân thể có 2.400 vụ, bạo lực tinh thần hơn 800 vụ... Người bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Điều đáng đau buồn là, phần lớn các vụ BLGĐ đều do người chồng, người cha trong gia đình gây ra. Trong 10 năm qua, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý hơn 1.200 vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến BLGĐ; trong đó không thể hòa giải được dẫn đến ly hôn gần 540 vụ...


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN



 


.