Nhận diện những thủ đoạn, chiêu trò trốn thuế, tránh thuế BĐS

05:04, 04/04/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Liên tiếp trong thời gian gần đây, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Cục Thuế các địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS). Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND chỉ đạo các Sở ngành chức năng cụ thể hóa trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế để chống thất thu trong lĩnh vực này.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của ngành Thuế, thông qua công tác đấu tranh với những đối tượng thường dùng để trốn thuế, tránh thuế liên quan đến chuyển nhượng BĐS, ngành Thuế đã phát hiện những thủ đoạn, chiêu trò cơ bản mà các đối tượng thường sử dụng thông qua một số hình thức như:
 
Thứ nhất, hợp đồng chuyển nhượng là giao dịch dân sự giữa các bên và có thể thỏa thuận bằng văn bản và có thể thỏa thuận bằng lời nói, thực tế hiện nay phát sinh trường hợp chuyển nhượng BĐS với giá thể hiện trên hợp đồng không đúng với giá thực tế giao dịch. Theo đó có thể tồn tại song song 02 loại hợp đồng:
 
- Hợp đồng chuyển nhượng BĐS có công chứng chứng thực theo quy định với giá nhà đất khai thấp hơn nhiều so với giá đất thực tế giao dịch để làm thủ tục đăng ký biến động;
 
- Hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại Toà. Trong thực tế, có nhiều trường hợp hồ sơ mới trúng đấu giá đất sau khi có giấy chứng nhận đã làm hợp đồng bán lại giá thấp hơn nhiều giá trúng đấu giá hoặc bằng giá của UBND quy định.
 
Thứ hai, đối với hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai thì giá trị Hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư; hoặc khi đã được cấp sổ thì NNT sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư, nhằm trốn thuế, giảm số thuế phải nộp.
 
Thứ ba, hai bên mua và bán chuyển nhượng BĐS không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó, người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với BĐS) nhằm tránh nộp thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS.
 
Trong thực tế, trường hợp khi thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản, hai bên làm hợp đồng nhưng lại để trống tên người mua, người bán chỉ cần ký tên vào hợp đồng và làm giấy ủy quyền là xong. Chỉ khi nào bán cho người cuối cùng thì mới điền tên vào hợp đồng để làm thủ tục sang tên đổi chủ… là diễn ra khá phổ biến nhất hiện nay. Một giao dịch viên BĐS cho biết: Với cách làm này; chỉ một thửa đất được giao dịch bán đi, bán lại cho nhiều người nhưng chỉ  nộp thuế có một lần mà thôi; đại đa số người mua đất rất đồng thuận.
 
Thanh Uyên
 

.