[Emagazine].Dòng chảy của gốm Việt

10:42, 17/03/2024
.
 
 

Trong dòng chảy của gốm Việt có những thương hiệu gốm nổi tiếng trong nước và thế giới. Tiêu biểu như gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), gốm Thổ Hà (Bắc Giang), gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), gốm Đông Triều (Quảng Ninh), gốm Chu Đậu (Hải Dương)...  Làng gốm Bát Tràng nằm bên bờ sông Nhị (tức sông Hồng ngày nay), nơi nối giữa Thăng Long và Phố Hiến, từ xa xưa là cửa ngõ thông thương với các quốc gia trên thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Hà Lan...). Làng gốm Bát Tràng có từ thời Lý (thế kỷ XI). Với bề dày hơn 1.000 năm tuổi, năm 2019, làng gốm Bát Tràng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 
Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng ở Gia Lâm (Hà Nội).
Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng ở Gia Lâm (Hà Nội).

Còn đối với làng gốm Chu Đậu nằm bên tả ngạn sông Thái Bình thuộc châu Nam Sách (nay là tỉnh Hải Dương). Gốm Chu Đậu phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XIV - XVI, bị thất truyền vào thế kỷ XVII do cuộc chiến tranh phong kiến Trịnh - Mạc. Nổi tiếng với dòng gốm men ngọc, gốm hoa nâu, song nghệ nhân Chu Đậu giỏi nhất gốm men trắng vẽ lam (gốm hoa lam), họa tiết mang tính thuần Việt (hoa dây, trầu, cau, thiên nga, phi điểu...). Gốm Chu Đậu được đánh giá cao về chất lượng “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”. Vào năm 1980, một chiếc bình men hoa lam được phát hiện tại Bảo tàng Topkapi (Thổ Nhĩ Kỳ), trên vai bình có dòng chữ Hán ghi rõ xuất xứ “Năm Thái Hòa thứ tám 1450, châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị cẩn bút”. Bảo tàng Topkapi mua bảo hiểm cho cổ vật này trị giá đến một triệu USD. Dẫu trải qua bao giai đoạn thăng trầm, có lúc tưởng chừng mất đi nhưng sau hơn 400 năm, gốm Chu Đậu đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.

Ngược về phương Nam, các dòng gốm nổi tiếng như gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa (Đồng Nai). Gốm Cây Mai là dòng gốm vang bóng một thời khắp vùng Sài Gòn - Chợ Lớn (Gia Định xưa), được lấy tên từ lò gốm được dựng đầu tiên gần đồn Cây Mai. Xưa kia, gốm Cây Mai thuộc xóm Lò Gốm trải dài từ rạch Lò Gốm - bến Lò Gốm đến Phú Lâm (nay là làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định (quận 6) và đường Xóm Đất (quận 11, TP.Hồ Chí Minh). Dòng gốm này nổi tiếng trong và ngoài nước, nhất là thị trường Pháp. Đến đầu thế kỷ XX, nguồn nguyên liệu và củi đốt ở khu vực Chợ Lớn bị cạn kiệt do quá trình đô thị hóa phát triển nên những nghệ nhân gốm Cây Mai đã chuyển dần về các làng gốm Biên Hòa, Lái Thiêu, Trường Thọ (Thủ Đức).

Gốm Biên Hòa - Đồng Nai.
Gốm Biên Hòa - Đồng Nai.

Làng gốm Biên Hòa nằm bên lưu vực sông Đồng Nai. Gốm Biên Hòa là sự kết hợp kỹ thuật của các dòng gốm Việt - Chăm - Trung Hoa và dòng gốm, sứ Limoges (Pháp). Hiện nay, gốm Biên Hòa là một trong những dòng gốm dễ nhận diện và được ưa chuộng trong nước và quốc tế. Còn đối với gốm Lái Thiêu, khởi phát khoảng thế kỷ XIX, tập trung ở các làng Tân Khánh, Bà Lụa, Hưng Định và Lái Thiêu, bên tả ngạn sông Tân Bình (sông Sài Gòn). Cùng với gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu cũng là dòng gốm kế thừa kỹ thuật chế tác gốm Cây Mai.

 
 
 
 

Theo các triền sông, cửa biển ở dải đất miền Trung cũng có những dòng gốm cổ nổi tiếng. Điển hình là tỉnh Bình Định có 5 lò gốm Chăm nổi tiếng, đó là Gò Sành, Trường Cửu, Cây Me (An Nhơn), Gò Hời, Gò Ké (Tây Sơn) nằm hai bờ sông Kôn. Quảng Nam có làng gốm Thanh Hà với hơn 500 năm, xuất hiện khoảng thế kỷ XVI, được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022. Ninh Thuận, quê hương của gốm Bàu Trúc. Đây là làng gốm duy nhất ở Việt Nam sử dụng kỹ thuật “dùng tay không” tạo ra những sản phẩm gốm đất nung đặc sắc.

 
Làng gốm Mỹ Thiện, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), là làng gốm nổi tiếng cả nước từ cách đây hàng trăm năm.  		                    Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Làng gốm Mỹ Thiện, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), là làng gốm nổi tiếng cả nước từ cách đây hàng trăm năm. Ảnh: BÙI THANH TRUNG

Quảng Ngãi, nơi hội tụ những trục giao thông của những dòng sông lớn (Trà Khúc, Trà Bồng, sông Vệ); trung tâm của nền Văn hóa Sa Huỳnh và những dòng gốm cổ (Sa Huỳnh, Champa, Mỹ Thiện). Cách đây  2.000 - 3.000 năm, người Sa Huỳnh cổ đã tạo ra sản phẩm gốm độc đáo là quan tài gốm (mộ chum, vò, nồi) cùng đồ tùy táng. Tiêu biểu, Bộ sưu tập bình gốm Long Thạnh bằng đất nung, niên đại tiền Sa Huỳnh, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2018. Còn làng gốm Mỹ Thiện, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), được hình thành trong hành trình mở đất về phía nam của người Việt ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Gốm Mỹ Thiện đa dạng các loại gốm sành, đất nung, tráng men với các bản màu da lươn, vàng, xanh rêu, hỏa biến; phong phú loại hình (bình hoa, ché, hũ đựng tiền, lọ đựng bút, độc bình) với các hoa văn chủ đề rồng, chuột, mai, trúc, các con giống, minh văn.

Sản xuất gốm ở làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam).
Làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam).

Từ hàng nghìn, hàng trăm năm cho đến ngày nay, các làng gốm cổ ở nước ta vẫn phát triển, nổi bật như làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Phước Tích, Thanh Hà, Bàu Trúc, Biên Hòa, Mỹ Thiện. Từ các di sản làng gốm thể hiện sự thông minh, sáng tạo của con người, từ nguồn tài nguyên là đất sét, cao lanh đã tạo ra những sản phẩm gốm từ bình dân đến cao cấp, từ thô sơ đến hoàn hảo, từ một làng quê nhỏ bé vươn ra thế giới và tạo nên thương hiệu riêng mang tên “Gốm Việt Nam”.

Nội dung: MINH ANH - TẠ HÀ

Trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:42, 17/03/2024