[Emagazine]. Gieo chữ ở điểm trường lẻ

07:49, 19/11/2023
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Gần 25 năm đứng lớp, cô giáo Hồ Thị Hồng Nga - người con của đồng bào dân tộc Cor, luôn tiên phong bám các điểm trường lẻ của huyện Trà Bồng để dạy con chữ cho  học sinh (HS). 

Cô Nga hiện giảng dạy tại điểm trường mầm non thôn Tang, Trường Mầm non Trà Bùi (Trà Bồng). Với cô, ngày nào còn đứng lớp giảng dạy thì ngày ấy là niềm hạnh phúc.

 

Những ngày này, ở Quảng Ngãi mưa, lũ kéo dài. Con đường đến điểm trường lẻ thôn Tang, Trường Mầm non Trà Bùi càng trở nên gập ghềnh. “Cứ ngồi yên trên xe cho dù có chuyện gì xảy ra”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Bùi Nguyễn Thị Tâm bảo thế trước khi chúng tôi được cán bộ, nhân viên của trường chở từ điểm trường chính đến điểm trường thôn Tang.

Cô giáo Hồ Thị Hồng Nga đến từng nhà đón học sinh đến trường.
Cô giáo Hồ Thị Hồng Nga đến từng nhà đón học sinh đến trường.

Điểm trường thôn Tang cách điểm trường chính khoảng 10km. Cô hiệu trưởng mang theo gạo, bánh tráng, mắm nêm, rau quả và các nhu yếu phẩm khác để đảm bảo cho những ngày “tránh lũ”. Thôn Tang ở xa trung tâm, đường đi lại nhiều khó khăn, nguy cơ sạt lở núi cao. Đường vào điểm trường quanh co, uốn lượn với gần 5km đường đá cuội lởm chởm và đường đất sét lầy lội đan xen. Nước mưa chảy xiết gây xói mòn làm cho con đường trở nên chông chênh hơn. “Chỉ những ai quen đi đường rừng thì mới có thể qua được cung đường này”, anh Quyến - nhân viên bảo vệ của trường nói. Thấy tôi lo lắng, anh liền trấn an, rằng mình thường xuyên chạy xe trên con đường này để thăm rẫy. Rồi anh chia sẻ kinh nghiệm đi rừng, chỉ cần đi theo những vệt xe đi trước để lại sẽ ổn thôi! Ngồi sau xe, tôi nơm nớp lo sợ bởi có nhiều đá nhọn lởm chởm và những rãnh hố quá sâu vì xe keo thường xuyên đi qua. Một cô giáo trong đoàn không may bị trượt ngã bị bỏng chân do chạm vào ống pô xe máy nhưng vẫn gượng cười bởi lẽ các cô đã quá quen với cảnh này.

 

 

Sau gần một giờ đồng hồ làm xiếc với chiếc xe máy trên cung đường trơn trượt, chúng tôi đã đến được điểm trường thôn Tang. Điểm trường nằm ở lưng chừng đồi. Cổng trường hướng về phía đồi núi. Sau lưng trường, mây giăng kín. “Mấy hôm nay, mưa lớn nên nhiều trẻ không ra lớp. Dù thời tiết xấu nhưng cô giáo vẫn đến lớp đều đặn vì biết đâu sẽ có HS đang chờ mình”, cô Nga nói. Nói xong, cô vội đứng lên, với tay đóng cánh cửa sổ lại để tránh mưa tạt vào lớp học. Từ năm 2012, điểm trường được xây mới ở vị trí này nên lớp học không còn dột ướt như điểm trường cũ.

 

Chỉ tay về phía nóc nhà ông Phong (cũ) trên đỉnh núi phía tây, cô Nga cho biết, trước đây, khi chưa có khu tái định cư thôn Tang, người dân ở sâu trong các hóc núi. Điểm trường cũ nằm tít trên đỉnh đồi. Hằng ngày, phụ huynh phải cõng con vượt rừng nhiều tiếng đồng hồ đến trường rất vất vả. Vậy nên, tình trạng HS đi học “giã gạo” thường diễn ra. Các cô giáo băng rừng đến từng nóc nhà để vận động trẻ ra lớp. Từ khi có khu tái định cư, người dân sinh sống ở gần trường nên đã khắc phục được tình trạng HS đi học “giã gạo”. Những hôm mưa lớn, phụ huynh mới cho con nghỉ học. 

 Bữa trưa của học sinh tại điểm trường thôn Tang, Trường Mầm non Trà Bùi (Trà Bồng).
Bữa trưa của học sinh tại điểm trường thôn Tang, Trường Mầm non Trà Bùi (Trà Bồng).

Cô giáo Nga là người địa phương nên việc vận động HS ra lớp có nhiều thuận lợi. Đến nay, cô đã gắn bó với điểm trường thôn Tang được 6 năm. Là giáo viên lớn tuổi nhất của Trường Mầm non Trà Bùi nhưng cô đã xung phong gắn bó với điểm trường thôn Tang để chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp. “Ban Giám hiệu nhiều lần mời cô Nga về điểm trường chính giảng dạy, nhưng cô nhất quyết xin ở lại. Bởi vì cô muốn chia sẻ với những giáo viên trẻ vướng bận con nhỏ hay những giáo viên ở xa...”, cô Tâm cho hay.

Cô giáo Hồ Thị Hồng Nga giáo dục truyền thống của đồng bào dân tộc Cor thông qua trang phục, đồ dùng hằng ngày tại góc địa phương của lớp.
Cô giáo Hồ Thị Hồng Nga giáo dục truyền thống của đồng bào dân tộc Cor thông qua trang phục, đồ dùng hằng ngày tại góc địa phương của lớp.

Ngoài kia, tiếng mưa rơi lộp bộp, thỉnh thoảng lại giội xuống những luồng mưa ầm ầm làm cho lũ trẻ đang ê a cũng giật mình sà vào lòng cô giáo. Cô Nga vỗ về, trấn an lũ trẻ. Đôi mắt xa xăm nhìn về đồi núi trước cổng trường, cô Nga nhớ lại, lúc mới lên đây, chuyện trượt chân ngã là bình thường. Có hôm, đường lầy lội, xe bị lún sâu, phải chờ có người đi qua để nhờ kéo xe lên giúp, hôm nào mưa lớn kéo dài, thì ở lại trường vì sợ sạt lở núi.

Cô Hồ Thị Hồng Nga hạnh phúc với những bó hoa rừng do học sinh tặng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Cô Hồ Thị Hồng Nga hạnh phúc với những bó hoa rừng do học sinh tặng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Điểm trường thôn Tang có một lớp ghép với 23 trẻ độ tuổi từ 3 - 5 tuổi, là người đồng bào dân tộc Cor. Ngoài cô Nga còn có cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Vân. Đây là năm đầu tiên cô Vân được luân chuyển đến điểm trường thôn Tang. Ở đây dân cư thưa thớt với gần 80 hộ dân sống rải rác, nên hai cô cùng bầu bạn những ngày đến lớp.

Dẫu cung đường lắm gập ghềnh nhưng cô giáo Nga vẫn kiên quyết bám trường, bám lớp. Cô Nga tâm nguyện, chỉ khi nào con đường đến điểm trường thôn Tang trở nên bằng phẳng hơn thì mình mới quay về điểm trường chính. Chia tay cô và trò điểm trường thôn Tang, chúng tôi lội ngược cung đường để trở về nơi phố thị. Còn trên miền sơn cước, các cô vẫn lặng lẽ gieo chữ cho các thế hệ học trò.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 07:49, 19/11/2023