Cá chép - cá diếc bổ tỳ kiện vị

03:09, 23/09/2019
.
Trong Đông y, nhiều loại cá được đề cập không phải là món ăn mà là để chữa bệnh (Nam dược thần hiệu).

Cá chép gọi là lý ngư, vị ngọt, tính bình, không độc nhập tỳ thận vị kinh có tác dụng lợi thủy tiêu thũng, kiện tỳ khai vị, hạ thủy thông sữa, thai động bất an rất tốt cho phụ nữ mang thai.

Cá chép giàu chất dinh dưỡng. Các nhà khoa học đã chứng minh trong cá có nhiều vitamin D tạo điều kiện cho việc hấp thu canxi của cơ thể, ngoài ra trong cá còn có nhiều kẽm là một vi chất có ích và khuyên rằng không nên ăn cá dưới dạng chiên rán không có lợi cho sức khỏe.

Chữa nôn mửa: Cá chép 1 con, đánh vẩy, mổ bỏ ruột, rửa sạch, sa sâm 6g giã dập, gừng tươi 10g thái mỏng, nước 2 bát. Sa sâm + gừng cho vào bụng cá hầm chín, ăn trong ngày.

Tác dụng làm an thai, chữa động thai: Cá chép to 1 con để cả vẩy, mổ bỏ ruột; gạo nếp vừa đủ, cho thêm ít vỏ quýt, gừng sống, gia vị, nấu thành cháo ăn hàng ngày rất tốt.
Cá chép kiện tỳ vị, rất tốt cho phụ nữ mang thai.
Cá chép kiện tỳ vị, rất tốt cho phụ nữ mang thai.
Chủ trị phụ nữ có thai bị phù: Cá chép to 1 con, đậu đỏ 100g, cho thêm gừng, hành trắng, nấu chín, ăn nhạt. Ăn cái, uống nước, ăn hết 1 lần để thải độc.

Tăng tiết sữa: Cá chép 1 con, chân giò lợn 1 phần, thông thảo 3g. Tất cả hầm mềm, chia ăn nhiều lần trong ngày.

Trị ứ huyết, đau bụng dưới sau sinh: Vẩy cá chép sấy khô, nghiền nhỏ uống với ít rượu nếp.

Kiện tỳ vị, trị bệnh hư hàn: Cá chép 1 con đem luộc lấy nước, thêm hành tươi cắt khúc, gừng, gia vị vừa đủ, ăn cá, uống canh.

Cá diếc còn có tên gọi là tức ngư, phụ ngư... Trong Đông y, cá diếc vị ngọt, tính ấm, không độc có tác dụng bổ tỳ kiện vị, ích khí, bổ huyết, hành thủy, tiêu thũng, tiêu khát, sát khuẩn; Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, đầy bụng, tiêu hóa kém, thúc đẩy việc tạo sữa, trị viêm đại tràng mạn tính, chữa vàng da...

Trị chứng tích thực, trướng bụng, ăn không tiêu: cá diếc 1 con làm sạch, bỏ ruột. lấy 2-3 củ tỏi tách từng tép bỏ vào bụng cá, ngoài gói 2-3 lớp giấy rồi đem nướng chín, bỏ tỏi ăn cá.

Trị chứng buồn nôn, nôn mửa: Cá diếc 1 con làm sạch, sa nhân 3g, gừng sống 3g, hồ tiêu 3g, đổ nước xâm xấp, hầm chín lấy nước uống.

Trị tiểu đường: Cá diếc 1 con, làm sạch bỏ ruột, lấy lá chè non bỏ vào bụng cá cho đầy, ngoài gói giấy rồi đem nướng cho cá chín, chia ăn vài lần trong ngày (ăn cả lá chè).

Trị viêm đại tràng mạn tính: Cá diếc 1 con làm sạch, bỏ ruột hầm mềm lấy nước nấu cháo, gỡ thịt cá cho vào cháo thêm gia vị vừa đủ, rau thơm, ăn nóng.

Trị đau gan vàng da: Cá diếc 1 con làm sạch, bỏ ruột, nướng qua cho thơm, rồi lấy rau má và lá mơ nấu cùng, ăn trong ngày. Cần ăn thường xuyên.

Thuốc bổ huyết: Cá diếc 1 con, làm sạch bỏ ruột, câu kỷ tử 12g, hoàng kỳ 12g, gừng sống 3g, hạt tiêu, gia vị vừa đủ, thêm chút rượu (10ml). Tất cả nấu chín, ăn cá, uống nước. Ăn liền trong nhiều ngày.

Trị tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng: Cá diếc to 1 con, làm sạch vảy, bỏ ruột rồi lấy: trần bì 5g, sa nhân, 5g, tất bạt 5g, gừng, tỏi, hạt tiêu, cho vào bụng cá rồi đem rán vàng sau đó bỏ cá vào nồi đổ nước xâm xấp ngập cá, thêm 1 chút rượu (10ml), gia vị vừa đủ, đun nhỏ lửa. Ăn cá, uống nước.

Sản phụ thiếu sữa, sức yếu sau sinh: Cá diếc 1 con 400g, rửa sạch, bỏ ruột, nhét vào bụng cá hoàng kỳ 20g, đương quy 10g, thông thảo 8g, nước vừa đủ ngập cá, hầm lửa nhỏ cho nhừ. Ăn cá uống nước canh liền trong 4-5 ngày.

Kiêng kỵ: Các chứng bệnh có urê huyết cao, hôn mê gan không nên ăn cá diếc.
 
Theo Lương y Vũ Quốc Trung/SKĐS
 

.