Ngẩn ngơ nhớ Tết quê xưa

09:01, 15/01/2017
.

Một mùa xuân mới lại về, ngoài trời lây phây mưa bụi. Lòng tôi lại nao nao nhớ những tết quê của thời bao cấp từ ba chục năm trước. Vào cữ đầu tháng chạp, bọn trẻ con chúng tôi bắt đầu trừ lùi từng ngày đến tết. Người lớn lo chạy chợ kiếm tiền thế nào không biết, chứ bọn nhóc chúng tôi thì mong tết đến cháy lòng.

Tôi nhớ những ngày giáp tết ấy, mẹ tôi đi suốt, hôm nào cũng từ sớm mai đến tối mịt. Hôm thì bà gánh đỗ đi bán ở chợ Hồ, hôm thì gánh lá dong vào chợ Núi. Anh trai tôi (khi ấy là sinh viên) mang một can nước mắm 20 lít từ Hà Nội về, hôm sau mẹ tôi tất tưởi gánh đi bán rong khắp làng. Hồi ấy mọi thứ đều thiếu, người ta phải lo chuẩn bị từ gói hạt tiêu, mì chính, nước mắm… trước tết cả tháng. (Mỗi nhà cũng chỉ dám mua vài cùi dìa mì chính, một cút nước mắm, nhà nào khá giả mới mua nổi nửa lít). Đến chiều 28 tết, mẹ về sớm, lục trong bị ra một mảnh vải phin, tranh thủ dắt tôi đến ông thợ may làng cắt cho tôi cái áo mới. Khỏi cần nói tôi sướng đến thế nào, nhảy chân sáo khắp đường làng. Ông thợ may làng dịp tết đông khách lắm, nhưng toàn cắt cho trẻ con thôi. Hồi ấy tôi cứ thắc mắc người lớn hình như không thích quần áo mới hay sao ấy, đa phần họ vẫn mặc những bộ quần áo rung rúc, đến mấy năm rồi mẹ tôi chưa may cái áo nào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Năm ấy nhà tôi đụng lợn, con lợn chừng 50kg, có 4 nhà cùng chung. Sớm 29 tết, ông thợ mổ đã đến, trói ghì con lợn lôi ra khỏi chuồng, đặt lên cái chõng tre. Mổ lợn là một ngày rất vui, mấy đứa trẻ con chúng tôi lăng xăng đun nước và xí phần cái bong bóng lợn để thổi làm bóng bay. Chiều ấy được ăn một bữa lòng lợn đã đời. Tiếng giã giò kí cốp vang khắp làng khiến những con tim trẻ nhỏ lâng lâng rộn ràng.

Chiều 30 tết, mẹ ngồi gói bánh chưng, chúng tôi xúm xít xung quanh, xin mẹ vài cái lá con gói mấy cái bánh be bé rồi gửi vào nồi, thích lắm. Mẹ sai chị Tư đun một nồi to nước mùi già để mấy chị em tắm tất niên. Trời rét, nhà tắm không có phải tắm ở vườn, cắm mấy cái cọc tre rồi quây lá chuối khô, gió lạnh thổi ù ù, vừa tắm vừa run lập cập. Nhưng mà thích, từng lớp ghét lưu cữu bong ra, người nhẹ thoáng hẳn, phơi phới như muốn bay lên cùng mùa xuân.

Tết thật rồi. Từng tràng pháo nổ giòn giã, mùi thuốc pháo trộn với mùi hương trầm ngan ngát lá hương vị đặc trưng của tết suốt đời không thể nào quên. Xong bữa cỗ sáng, tôi là út ít, được theo mẹ đi “lễ cũ” (ở quê người ta gọi đi chúc tết là đi lễ cụ, đến nhà nào thủ tục đầu tiên là vái trước ban thờ), được đầy một túi tiền xu mừng tuổi. Chiều, chúng tôi thích nhất là được ra chơi cây đu. Từ khoảng 23 tháng chạp, các anh trai làng đã trồng đu. Hồi ấy cây đu nhiều lắm, cứ 1-2 xóm có một cây. Nam nữ thanh niên háo hức xếp hàng để đánh hết lượt nọ tới lượt kia, từ sáng đến chiều tối không lúc nào ngớt. Giai thanh, gái lịch lên đu, người ở dưới xuýt xoa. Có bà cụ già lắm, tần ngần đứng xem. Cụ lẩm bẩm: “Ngày xưa tôi với ông Phó cũng nhờ đánh đu mà thành vợ chồng đấy, thế mà đã hơn sáu chục năm rồi, nhà tôi khuất núi cũng hơn chục năm…”

Lễ hội tết hồi ấy ngoài đánh đu còn có đấu vật, đi xe đốt pháo, thổi cơm thi (nồi cơm được đặt trong một cái quang sắt, phải vừa gánh vừa thổi, một người gánh, một người cầm bó đuốc rê ở đít nồi, cứ thế đi vòng quanh đến khi cơm chín). Trò nào cũng vui, cũng hay cả, nhưng thú nhất có lẽ là trò chèo đò bắt vịt. Trong ao nước, con vịt cứ bơi thoăn thoắt, người chơi chèo một chiếc thuyền nan nhỏ đuổi theo đến khi túm được vịt mới thôi. Người xem vòng quanh ao, reo hò cổ vũ tưởng vỡ trời, mỗi khi con vịt chạy lên bờ, người ta lại cầm cây gậy đầu có buộc túm lá chuối xua xuống. Có khi người chơi mải quài tay bắt vịt mà lộn cả thuyền, ướt lướt thướt, cả đám người xem lại được trận cười sảng khoái.

Bây giờ thì chẳng còn đâu cái không khí tết ngày xưa. Giờ về làng thấy buồn quá: Đường làng xưa phong quang là thế, nay hai bên đường là hai dãy nhà ống mặt tiền chừng 4-5 mét, sơn kẻ lòe loẹt, bức bối. Người quê học tập một cách dại dột thứ kiến trúc tồi tàn của đô thị. Chẳng còn không khí sắm tết như xưa, hàng hóa và dịch vụ giờ sẵn, đến bánh chưng mà nhiều nhà cũng mua luôn cho tiện. Hỏi sao không gói bánh chưng, người ta đáp là ngày tết ăn vài chiếc chứ mấy, gói làm gì cho kích rích. Nghe mà buồn, tưởng chỉ ở thành phố, chứ đến thôn quê mà cũng mất cái cảnh ngồi quây quần bên nồi bánh chưng chờ giao thừa, vớt cái bánh nóng hổi lên cúng tổ tiên, thế thì còn gì là tết nữa, hở giời!

Đa phần thanh niên trai tráng bỏ làng đi làm ăn xa, có người tận Lâm Đồng, Đắk Lắk, có người vào mãi Minh Hải, Tây Ninh, có khi mấy năm mới về tết một lần. Ở làng giờ rặt người già với trẻ con. Đến 28-29, thậm chí tận 30 tết, nhiều người mới về làng. Chẳng còn gốc đu, chẳng còn đấu vật, chẳng còn thi thổi cơm với chèo đò bắt vịt. Hình như ai cũng quay cuồng bận rộn với cuộc mưu sinh. Ngày Tết, uống rượu xong là xúm vào chơi “tiến lên”, “tá lả” ăn tiền, trẻ con và phụ nữ thì giải trí qua chiếc ti vi. Sân kho hợp tác xưa là nơi tổ chức những trò chơi dân gian, giờ ở đâu xuất hiện một đám “quay số trúng thưởng” ồn ào loa đài, mời mọc người ta quay số “một ăn mười”. Nam thanh, nữ tú rủ nhau đi chơi, nhưng nào còn chỗ, đâu cũng nhà, cũng người, chỉ còn duy nhất nghĩa trang liệt sỹ làng là thoáng, họ kéo nhau đến đấy chụp ảnh. Giờ lại còn du nhập cái tục hái lộc vườn chùa vào đêm giao thừa. Đầu têu là mấy anh chàng sinh viên với cán bộ người làng về quê ăn tết, sau thì thanh niên làng bắt chước. Sáng mồng một lên chùa làng, thấy cây cối trụi thùi lùi, cành lá la liệt vương vãi khắp sân, sư cụ chán chưa buồn quét.

Tết xưa nay còn đâu, tôi cứ lẩn thẩn buồn nhớ những tết xưa. Người ta bảo hay hồi tưởng quá khứ là dấu hiệu của tuổi già. Lẽ nào mình đã già rồi sao?
 

(Theo Duy Hữu/ Pháp Luật Việt Nam)

 


.