Mùa Xuân nhặt cánh mai vàng

06:02, 21/02/2015
.

Ở miền Nam, đến Tết là hoa mai nở rực rỡ, hầu như nhà nào cũng trồng mai trước cổng, trong chậu, vun bón, chăm sóc cẩn trọng. Trước đây, nhà tôi có một cây mai gần trăm năm tuổi, hoa đơm dày và rụng vàng gốc sân mỗi khi cơn gió lay nhẹ. Tiếc lắm nên tôi cố nhặt cho hết những cánh mai vàng, phơi khô và bỏ vào trà.

Ở độ tuổi học sinh, Tết đến Xuân về ai cũng được nghỉ học, ở nhà phụ gia đình lau dọn, hớn hở chuẩn bị đón Tết. Xóm nhà tôi nhà ai cũng rộng rãi, đất vườn nên thường mỗi nhà cách nhau mấy liếp đất trồng cây, ao nuôi cá. Trước cửa nhà tôi ngoài bàn thiên trụ xây xi-măng là cây điều già và cây mai gần trăm tuổi do chủ nhà trước để lại. Cha mẹ tôi cưng cây mai lắm, tưới mỗi ngày, vun gốc, bón phân. Đến gần rằm tháng chạp, cả nhà lại xúm xít tước lá mai bởi mai không ra hoa dày, rộ nếu không được tước lá.
 


Tước sạch sành sanh lá là lúc chờ đợi những nụ mai vàng rực rỡ bung nhè nhẹ theo cái nắng cùng cơn gió dìu dịu. Nếu thấy lâu quá nụ mai không nở, bé xiu xíu là lúc tôi phải dốc sức tưới nước, càng tưới nhiều nước mai sẽ nở càng nhanh. Vì thế, tưới cũng phải chừng mực nếu thấy chậm tưới nhiều còn thấy quá nhanh phải bớt lại, canh sao cho mai nở đúng Tết. Hồi hộp chờ đợi và có cảm giác tự hào một chút khi mai nhà mình nở đều, đẹp hơn mai hàng xóm.

Dù dưới quê nhà ai cũng có mai nhưng nạn trộm mai cũng xảy ra. Một số người nơi khác đến nhìn thấy mai đẹp nảy lòng tham là bất chấp “nhà có chó dữ” cũng tìm cách huơ dao, chọn cành đẹp nhất chặt mất. Có năm tôi khóc nức nở khi mai nhà mình bị trộm ngay cành đẹp nhất, dự định sẽ cắt chưng trên bàn thờ ông bà. Mẹ tôi vừa lấy dao tỉa lại cây, chọn cành khác vừa chửi kẻ trộm mai. Rút kinh nghiệm mất mát đó, mỗi khi mai trước nhà nở rộ, tôi chuyên tâm canh giữ. Vì nhiệm vụ quan trọng này, tôi mới nảy sinh ra ý định nhặt cánh mai vàng rụng đầy dưới gốc mỗi khi gió Xuân thổi nhẹ qua. Đấy cũng là cách vừa trông mai, vừa đỡ nhàm chán, nhất cử lưỡng tiện.

Nhặt đầy một giỏ rồi một giỏ, cánh mai vàng rực dần ngả màu, tôi mang chúng rửa sạch, đem phơi khô và cho vào lọ thủy tinh lưu giữ. Sáng mùng một Tết, pha một bình trà, tôi mang cánh mai phơi khô trút vào, đậy nắp kỹ, khiến trà có một mùi hương thơm là lạ. Về sau, tôi được chỉ dẫn, mang hoa mai phơi khô, bỏ vào nước sôi rồi uống dần cũng có thể thanh nhiệt, thuận khí, chữa ho do đàm nhiệt gây ra. Mai có lợi là thế lại rất đẹp nên nhà nhà ai cũng gắng công chăm sóc, gìn giữ mai nhà mình.

Ngày nay, mai dần ít đi, kể cả ở quê cũng không nhiều nhà còn trồng bởi đa phần trước sân đều trán xi-măng. Sau khi chuyển nhà về quê cũ, nhà tôi không bỏ lại gốc mai gần trăm tuổi mà quyết tâm mang theo. Tuy nhiên, nhà mới không có dư chỗ để mai tung hoành đành bó hẹp trong cái chậu sành lớn. Mai vẫn ra hoa mỗi độ xuân về nhưng dường như vẫn có một chút buồn, nhớ chốn cũ, nơi thênh thang rộng rãi có thể tự do đâm cành, nảy lộc, rung rinh đón nắng gió mỗi độ Xuân về.



Facebook Ngoại Ú Na.


.