Mong Tết đoàn viên

07:02, 24/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xa con cái, xa gia đình để đi làm ăn xa. Tết trở thành dịp để những người ly hương trở về quê sum vầy, quây quần. Nỗi mong ngóng, chờ đợi cứ rõ mồn một vào những ngày giáp Tết.

Ngóng cha mẹ từ tháng mười một

Sau khi nghe mẹ điện thoại về bảo, ngày 27 tháng Chạp, khi chủ cơ sở may cho nghỉ Tết, cha mẹ sẽ về quê. Cậu bé Đặng Toàn Thắng, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Bồ Đề, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đã bắt đầu đếm ngược thời gian, ngay từ tháng 11. Cười móm mém bên cạnh cháu nội, cụ Đỗ Thị Sén xúc động: “Càng gần đến ngày 27, nó lại háo hức đến mức trằn trọc không ngủ được, vì nhớ cha, nhớ mẹ”.

Xuân đã về đến ngõ, nên những đứa trẻ vẫn đang ngóng đợi cha mẹ về đoàn viên.
Xuân đã về đến ngõ, nên những đứa trẻ vẫn đang ngóng đợi cha mẹ về đoàn viên.


Cụ Sén có 6 người con, thì đã có 5 người rời nhà vào TP.HCM làm ăn. Cha mẹ của Thắng người thì đi may thuê gia công, người xin làm thợ phụ tại cửa hàng cửa sắt. Còn những người con khác của cụ Sén, cũng rong ruổi đủ nghề: Từ thu gom ve chai, đến buôn bán hàng rong. Chính vì thế, cụ Sén sau khi nuôi con trưởng thành, lại tiếp tục đảm đương nhiệm vụ nuôi cháu, để con cái yên tâm đi làm ăn xa. Cháu Đặng Toàn Thắng (9 tuổi) và Đặng Văn Hòa (7 tuổi) đã ở cùng ông bà từ khi mới vừa tròn 3 tuổi. Xa cha mẹ từ nhỏ, nhưng Thắng và Hòa rất ngoan và tự lập chăm lo học hành. Học kỳ vừa qua, cả hai anh em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Hiểu được nỗi cực nhọc của cha mẹ ở phương xa, những đứa trẻ tại quê nhà đều xem sự tự lập và phấn đấu học tập như một món quà bù đắp cho mẹ cha. KDC số 13, thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong- nơi được mệnh danh là “xóm ly hương” khi hầu hết các gia đình đều rời quê vào thành phố mưu sinh. Từ những cuốc xe ôm của cha, bún hàng rong của mẹ…những đứa con tại quê nhà phần lớn đều đỗ đạt, thành danh.

Anh Nguyễn Quốc Bảo, nhờ những đồng tiền từ xe bán bún của mẹ, mà đã có thể theo đuổi giấc mơ học hành để trở thành lập trình viên tại Tập đoàn FPT TP.HCM. Anh Huỳnh Thanh Tâm (25 tuổi), cũng vì khát vọng thoát nghèo nên sau khi xuất sắc đậu đại học với số điểm 25, tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá, anh  đã nhạy bén làm đủ nghề để tích vốn mở xưởng sản xuất, tái chế lốp xe tại TP. Hồ Chí Minh...  Cha mẹ vì con mà ly hương, chịu đựng khó nhọc, thì giờ, con cái lại trở thành chỗ dựa, giúp cha mẹ an hưởng tuổi già, không phải quần quật nơi đất khách.

Tết này, bố mẹ không về

Bên cạnh niềm vui, sự trông ngóng của những gia đình có cơ hội đoàn tụ dịp Tết đến, Xuân về, vẫn còn nhiều tiếng thở dài vang lên, khi vật giá leo thang, vé tàu xe đắt đỏ, nhiều người đành lựa chọn ở lại ăn Tết nơi đất khách, để con cái có được một cái Tết đủ đầy.

“Năm nay làm ăn khó khăn. Ảnh gửi về 5 triệu đồng cho tôi và các con sắm Tết thì hết tiền về tàu xe, nên đành ở lại”, chị Trần Thị Chi, thôn Phú Long, xã Trà Phú (Trà Bồng), một trong những địa phương có nhiều người đi làm ăn xa cho biết. Xa vợ, xa con cái đi làm ăn xa cả năm trời đã buồn. Ấy vậy mà đến ngày Tết lại chẳng thể về quê sum họp khiến ai nấy đều chạnh lòng. Cháu Nguyễn Thị Diệp, nghẹn ngào: “Tết ba không về, thì cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để hè vô thăm ba. Chỉ là lần nào cháu vô, ba cũng phải chạy đi tìm chỗ cho cháu ngủ nhờ. Bởi chỗ ở của ba chật lắm, chỉ đủ trải nửa chiếc chiếu thôi”.

Hy sinh, tần tảo, vun vén cho con cái học hành. Những người Quảng xa quê luôn nhận về mình phần thiệt, để dành cho con cái nơi quê nhà phần hơn. Những đồng tiền tích cóp gửi về quê để xây nhà thêm kiên cố, để con cái xúng xính quần áo Tết đi chơi. Còn tại nơi đất khách, quê người, căn gác ván ép ọp ẹp với giá thuê 2 triệu đồng/tháng trở thành chỗ ngả lưng cho cả chục người để tằn tiện, tiết kiệm chi phí ăn ở…

Bài, ảnh: Đông Yên
 


.