Ấm áp tết quê

02:01, 25/01/2013
.

Mỗi lần nghe gió bấc về xôn xao, ngoài đường mai vàng hé nụ là lòng tôi lại bâng khuâng nhớ tết, nhớ quay quắt những mùa xuân êm đềm, ấm áp ở một miền quê xa lắc xa lơ.
 

Gia đình ngày tết - ảnh của tác giả DZũng Nguyễn
Gia đình ngày tết - ảnh của tác giả DZũng Nguyễn



Trong ký ức xa mờ của tuổi thơ, tết đến với tôi rất sớm. Mới nửa tháng chạp mà đã nghe tiếng quết bánh phồng thình thịch trong sương sớm. Đó đây, người tráng bánh, kẻ ép chuối phơi khô, rồi nào ngoài đồng tát đìa, trẻ con lặt lá mai, người người tất bật mọi thứ, chuẩn bị cho mâm cơm đoàn tụ chiều ba mươi tết.

Hồi nhỏ, mỗi lần nghe pháo tết,  nghe tiếng cu kêu là trong lòng bọn trẻ ai nấy cũng bồi hồi, háo hức. Những ký ức in đậm nhất trong tâm tưởng mọi người là đêm giao thừa. Vào thời khắc thiêng liêng đó, không khí tết như tràn ngập, cả nhà như bừng lên sức sống mới khiến cho cái gì cũng đẹp, cũng đáng yêu. Chỉ có thế thôi mà sao trong tôi lại khắc khoải nhớ mãi, nhớ hoài cái tết xưa êm đềm, gần gũi và quá đỗi yêu thương.

Đã hơn mười mùa xuân đi qua, trẻ con không còn thấy hình ảnh người nông dân tát đìa hoặc quậy mương bắt tôm, cũng không nghe được tiếng quết bánh phồng, một thứ âm vang quen thuộc, gần gũi tự bao đời đã đi vào hồn, vào tâm thức của mỗi người. Thời gian cứ vô tình trôi mải miết, chẳng mấy chốc mà người quen đã già đi, bạn bè thời cắp sách cũng chẳng còn bao nhiêu. Những gì gọi là tết xưa, tết cũ đã dần dần nhạt mờ theo năm tháng. Mỗi lần tết đến mẹ tôi lại già thêm một tuổi, nhưng mỗi lần tết đến, bà lại nhắc thật nhiều thứ, từ chuyện quét mộ ông bà, chuyện tết nhà tết cửa cho đến đi chợ mua đồ về trang trí nhà cửa.

Tuổi thơ ai mà chẳng hơn một lần chứng kiến cảnh đưa ông Táo về trời, nhất là buổi cơm chiều ba mươi tết cả nhà đoàn tụ, rồi nào mừng tuổi, nhận tiền lì xì… Và còn bao nỗi nhớ, nhớ da diết nồi bánh tét trên bếp lửa hồng nổ lách tách, nhớ chiếc bánh phồng, bánh tráng, nhớ món dưa cải, củ kiệu và bánh mứt của mẹ mình làm tết.

Bây giờ, ra đường cái gì cũng mới, ngày xuân ngày tết khó mà tìm được hình ảnh cô thôn nữ dịu dàng trong chiếc áo bà ba ngồi gói bánh tét hoặc làm dưa kiệu. Ngay cả cụ già ngồi chùi lư hương cũng vắng bóng vì đã có máy móc làm thay. Tất cả hình như đã lùi về quá khứ. Chúng ta đang ở vào thời kỳ hội nhập và phát triển, nhiều giá trị tinh thần và vật chất đã được đánh giá sàng lọc lại. Do đó, nhiều cái cũ đã mất đi, cái mới lại ra đời. Chuyện bánh tét, bánh chưng, dưa kiệu, củ hành… không còn nguyên vẹn ý nghĩa như tết xưa, tết cũ. Nếu cần, phụ nữ chỉ ra chợ hoặc siêu thị là có ngay mọi thứ, không cần phải tốn công, tốn sức, cầu kỳ để thi thố tài nữ công gia chánh như xưa nữa.

Và mỗi khi tết đến chúng ta sẽ nhớ đến món canh của mẹ nấu, món cá của ngoại kho, nhớ đến thịt heo kho tàu. Cho dù các món ăn làm sẵn ngon đến đâu cũng không bằng của mẹ, vì trong mỗi món ăn đều có những tình cảm yêu thương truyền từ bàn tay cần cù của mẹ và người thân trong gia đình.

Tết Nguyên đán mang bản sắc văn hóa của cộng đồng. Mùa xuân là mùa diễm lệ nhất để con người giao hòa với trời đất. Nhà nào cũng muốn đưa một mảnh thiên nhiên vào cuộc sống. Dù nghèo hay giàu, ở thành thị hay thôn quê, trên bàn thờ mỗi nhà cũng đều có một bình hoa và dĩa trái cây.

Tết là thời khắc thiêng liêng nhất, là “khí” của trời đất nảy sinh, giúp con người nâng cao những tình cảm cao đẹp, để giải tỏa tâm trí, giúp con người sảng khoái hợp với lẽ âm dương của trời đất và nhịp sinh học của con người.

 

Tường Vi (Báo Tuổi trẻ)


.