Mùa tết

09:01, 17/01/2012
.

Mau quá, lại sắp đến tết rồi! Câu nói cửa miệng bâng quơ quen thuộc của những người không còn trẻ nữa, như tôi chẳng hạn. Thật khác hẳn cái thời xa lắc xa lơ cứ đếm từng tờ lịch nôn nao chờ mong tết đến.
 
Tết với lũ con nít quê tôi bắt đầu từ rất sớm. Từ dạo má dặn bà Tư cạnh nhà để dành cho má mấy ký gừng, dặn bác Hai xóm trên lựa mua giùm má mấy trái bí đao già gọi là bí mốc, dặn cả nhà không ai được hái dừa, để dành quầy dừa quá lứa cứng cho má làm mứt tết... Đối với chúng tôi lúc ấy, tết không chỉ có ba ngày mà phải gọi là mùa tết, cả một mùa hẳn hoi mới đúng.
 
Mùa tết đã về - Ảnh: Lý Thị Phương
Mùa tết đã về - Ảnh: Lý Thị Phương
 
Càng gần tết càng rộn ràng, tất bật. Má và chị tôi lăng xăng bận rộn với việc làm mứt tết, làm dưa kiệu, chuẩn bị gạo nếp, xay bột để gói bánh tét, bánh ít. Thuở ấy mọi thứ đều tự làm, không đơn giản là làm chỉ để ăn mà làm bằng tất cả lòng tôn kính những điều thiêng liêng dành cho ngày tết.
 
Thỉnh thoảng má nhắc "Đồ để cúng ông bà, đừng để phía dưới bộ ván ngồi, mang tội". Bưng nia củ kiệu đi phơi má lại dặn "đi vòng, đừng làm biếng đi tắt chui dưới sào phơi áo quần, mang tội". Thậm chí đến miếng lá chuối gói bánh cũng phải lau bằng khăn mới chứ không được lau bằng giẻ cũ... Chị tôi xăm mứt gừng mỏi tay nhăn nhó, càu nhàu than mệt má cũng la mang tội, làm để cúng ông bà thì phải vui tươi ông bà mới về.
 
Chiều 30 chuẩn bị cúng đón ông bà, chúng tôi nôn nao đòi mặc quần áo mới, má cũng chiều nhưng chỉ được mặc vào một lúc thôi, để dành ngày mai mới được mặc luôn.
 
Nôn nao là vậy nhưng chưa bao giờ tôi được đón giao thừa, chưa bao giờ được thức đêm canh nồi bánh tét. Khi tôi thức dậy thì trời đã sáng trưng, xâu bánh tét dài treo bên góc bếp còn chưa ráo nước. Lật đật rửa mặt, thay quần áo mới, ăn khoanh bánh tét hãy còn vương chút tàn nhang, chúng tôi nhấp nhổm nơi đầu ngõ chờ gia đình chú Ba về chúc tết.
 
Chú Ba là em ruột của ba tôi, chú sống ở thị trấn cách nhà chừng ba cây số. Mỗi lần giỗ tết chú thím bao nguyên chiếc xe ngựa chở cả gia đình đến nhà tôi. Nhà chú thím nghèo hơn nhà tôi, nhưng các con của chú ăn mặc đẹp làm sao. Tôi ngơ ngẩn nhìn cái áo đầm bằng ren màu hồng, đôi giày xăngđan trắng tinh của con Điệp trạc tuổi tôi mà mê mẩn, ước ao.
 
Nhưng con nít mau quên, tôi mau mắn ùa vào nhà để chờ tới phần quan trọng nhất là khoanh tay chúc tết và nhận tiền lì xì từ chú. Tiền chú lì xì cho chúng tôi bao giờ cũng nhiều hơn những người quen biết khác. Buổi sáng mồng 1 chưa có được nhiều tiền lì xì, vậy mà tôi cứ đếm đi đếm lại hàng chục lần, sợ nhầm, sợ mất...
 
Thường thì gia đình chú chờ ba má tôi cúng ông bà rồi ăn trưa, ở lại chơi đến xế chiều, sẵn xe ngựa chú lại cho một hai đứa chúng tôi theo ra nhà chú chơi tết. Hồi năm bảy tám tuổi gì đó tôi được theo chú ăn tết ngoài thị trấn một lần, đông vui quá chừng nhưng cứ đến chạng vạng chiều tôi lại khóc thầm vì nhớ nhà, nhớ má.
 
Tôi lấy chồng, làm dâu Sài Gòn cách quê tôi khoảng hơn một giờ chạy xe gắn máy, vậy mà năm nào cũng chỉ được về quê khi những ngày tết đã qua đi. Tết ở nhà chồng gốc Bắc với bánh chưng, dưa hành, giò chả, thịt đông, tôi bỗng nhớ làm sao nồi khổ qua hầm, thịt kho tàu mềm rục.
 
Năm nào cũng vậy, trưa mồng 1 khi việc bếp núc xong xuôi, tôi mới vào phòng riêng gọi điện thoại về nhà. Tiếng anh Hai ấm áp: "Về đủ hết, chỉ thiếu mỗi gia đình em thôi". Tiếng nhỏ em trách móc: "Người ta ở bên Tây còn được về quê ăn tết, còn bà...". Tiếng đứa cháu ồn ào: "Tại cô Mười sợ tốn tiền lì xì đó mà...".
Cả nhà ơi, đến mồng 5 tôi sẽ về, đừng lo, mùa tết còn dài mà...
 
 
Theo Cẩm Minh (TTO)

.