Đừng để tục xông đất mất đi nét đẹp văn hoá

08:01, 11/01/2012
.

(QNĐT)- Theo thời gian, những phong tục tập quán xưa có nhiều thứ mất đi hoặc mờ dần cùng những thay đổi phát triển của cuộc sống hôm nay. Tục “xông đất” cũng đang dần bị biến tướng, khi nhiều người quá đặt nặng chuyện may rủi, hậu vận.

 

Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm, lúc mọi thứ đều được bắt đầu, mới mẻ tinh khôi. Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa lúc 12 giờ đêm cuối năm (âm lịch), bước vào những giờ phút đầu tiên của năm mới người Việt Nam từ xưa rất coi trọng tục “xông đất đầu năm”. 

Người Việt Nam ta thường có tục lệ sau giao thừa là mở cửa chọn hướng xuất hành. Tùy theo tuổi tác mà chọn đi các hướng đông-tây-nam hay bắc. Có người kỹ tính còn phải chọn bước chân phải hay chân trái trước, tiếp đến là hái lộc đầu năm và xông đất. 
 
Người “xông đất”, gọi theo miền Bắc hay “đạp đất” theo miền Trung tức người khách đầu tiên bước vào cửa nhà ta sau giờ khắc giao thừa. Theo quan niệm dân gian, người xông đất có ảnh hưởng quan trọng đến hậu vận của cả nhà trong năm mới. Người ta có thể nhìn người khách đầu năm này mà đoán công việc làm ăn, sự rủi may trong cuộc sống của gia đình.
 
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
 
Người ta quan niệm xông đất  là để đón nhận may mắn. Thường những người đến xông đất phải là ngẫu nhiên không  được gia chủ dạm trước thì mới linh. Song cũng không ít người cứ đến dịp cuối năm lại có ý tìm chọn trong họ hàng hay láng giềng những người tốt tính và làm ăn phát tài, có cuộc sống suôn sẻ để “xông đất” nhà mình, tức là người khách đến nhà đầu tiên trong năm mới.
 
Người ta muốn người đến xông đất nhà mình là người mau mắn, hợp tuổi với gia chủ, thành đạt về công danh hay trong làm ăn để mang tài lộc đến. Thời gian xông đất tốt nhất là ngay sau giao thừa hoặc buổi sáng mồng Một Tết. Người đi xông đất thường ăn mặc đẹp, mang theo một chút quà Tết kèm những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ. Quà ở đây không nhất thiết là quý giá, nhiều hay ít, mà chỉ mang tính tượng trưng, phụ thuộc vào mức độ quen biết gia chủ thân hay sơ. Những người gia cảnh khó khăn, đạo đức không tốt hay gia đình đang có chuyện buồn thì phải kiêng cữ trong những ngày Tết, đặc biệt là không nên đi xông đất nhà người ta.
 
Nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc cho rằng tục xông đất thể hiện mong muốn hướng tới những điều tốt lành của người dân Việt. Bất cứ ai, dù là người xấu, cũng muốn được một người tử tế, tốt tính đến xông đất nhà mình, “có nghĩa là họ muốn trở nên tốt lành hơn, thiện hảo hơn năm cũ”.
 
Thế nên các cụ ngày xưa rất vui mừng khi được những người có tên hay, đẹp như Cát, Lộc, Kim, Ngân, Phúc, Thọ, An Khang… xông đất nhà mình trong ngày đầu năm mới. Tốt hơn nữa là những người có số phận hanh thông, thành đạt, viên mãn trong cuộc sống.
 
Có thể nói qua tục “xông đất” đầu năm này ta có thể thấy được khát vọng về sự thịnh vượng, an khang của người xưa khi bước sang năm mới. Theo thời gian, những phong tục tập quán xưa có nhiều thứ mất đi hoặc mờ dần cùng những thay đổi phát triển của cuộc sống hôm nay. Tục “xông đất” cũng đang dần bị biến tướng, khi hiện người nhiều người quá đặt nặng chuyện may rủi, hậu vận. Vì thế từ một tục lệ hay, vô tình lại biến thành phiền phức. 
 
Có nhiều gia đình cứ đóng chặt cửa buổi sáng mồng một Tết, đợi đến khi có người được xem là có thể đem may mắn đến mới chịu mở cửa nhà. Thậm chí có nhà còn nhờ những bạn bè có tên tốt hay có danh phận, sự nghiệp "ngon lành", gia đình hạnh phúc đến “xông đất” sớm cho nhà mình. Sướng nhất mấy ngày này là các vị tên Tài, Phúc, Lộc… đi đến đâu cũng được chào mời rôm rả, ai cũng muốn kéo vào nhà mình để “lấy hên”! 
 
Nếu gia đình nào đó trong năm gặp rủi ro thì đổ lỗi cho người xông đất, hoặc người đến xông đất năm đó gặp nhiều may mắn thì bị xem là lấy hết lộc của gia chủ, có không ít trường hợp xảy ra xích mích, mất tình nghĩa vì điều này. Vì vậy mà ngày nay người ta rất ngại khi được nhờ đến xông đất đầu năm. Thậm chí trong ngày mồng một Tết người ta đến thăm nhau cũng rất trễ để... mình không phải là người đến trước.
 
Vì thế, chúng ta hãy coi tục xông đất như một niềm vui nho nhỏ ngày Tết, một nét văn hóa thể hiện khát vọng muôn đời của nhân dân ta khi trời đất vào xuân: Khát vọng thịnh vượng, an khang, hạnh phúc! Đừng vì quá nặng chuyện hên xui, may rủi mà làm mai một đi một nét văn hoá của Tết cổ truyền
 
H.Thịnh

 

 

.