Bàn thờ ngày Tết

10:01, 24/01/2012
.

Ở đồng bằng sông Cửu Long ít có nhà thờ họ để thờ tự ông bà, tổ tiên chung như ở ngoài Bắc, mà đa phần các dòng họ phân công nhau đưa những người đã khuất về nhà riêng mà thờ. Theo đó, dòng tộc, gia đình tôi cũng làm như vậy.

Má tôi mất sớm và đột ngột nên không trăng trối được điều gì, còn ba tôi dường như linh cảm được ngày ông sẽ ra đi. Ba tôi mất năm 78 tuổi, năm 77 tuổi đột nhiên ông làm những công việc khác thường. Đó là việc đi bốc mộ ông bà cố tôi ở xa nhà đưa về một khu đất cao, đẹp ở gần nhà. Sau đó ông lại tiếp tục di dời mộ ông bà nội và má tôi ở dưới ruộng lên nằm gần ông bà cố tôi, rồi định vị cho con cháu biết chỗ ông về nằm khi an giấc ngàn thu...
 

Tết về. Ảnh: VÕ QUỐC THANH
Tết về. Ảnh: VÕ QUỐC THANH

Làm các việc ấy xong, ba tôi sai vợ thằng Út Mỹ làm một bữa cơm thịnh soạn cúng ông bà rồi gọi tất cả anh em tôi về để bàn một việc hệ trọng: Để các con khỏi lúng túng, khi ba tôi có theo ông theo bà thì giao việc thờ cúng ông bà ngoại tôi cho anh Hữu, ông bà cố giao cho con Diệu, ông bà nội thì giao cho thằng Út Mỹ, còn tôi thì được giao thờ má tôi và dĩ nhiên sẽ thờ ba tôi khi ông qua đời.

Ba tôi nói thêm: trong nhà mà có bàn thờ có hương khói thì nhà sẽ ấm cúng, tết nhất mà bàn thờ tươm tất bánh trái, hoa quả, nhang đèn sẽ làm cho gia đình có sinh khí tết. Khi giỗ kỵ là dịp để ta “trả nợ miệng” chòm xóm. Người ta mời mình ăn giỗ suốt năm chẳng lẽ không có một lần mời lại.

Cuối cùng ba tôi xúc động rồi nhấn mạnh mấy ý sau đây: “Để anh em tụi bay có ông bà chung mà lui tới với nhau và mỗi đứa cũng có cái bàn thờ riêng để thực hiện chữ hiếu của mình”.

Năm tháng sau đó thì ba tôi qua đời. Ba tôi là con út trong năm người con của ông bà nội tôi và là người ra đi sau cùng trong thế hệ của ông, cho nên “sự phân công gia việc” đó anh em tôi xem như lời di huấn của dòng họ.

Bốn anh em tôi mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Nhà tôi thì ở thành phố Bạc Liêu, thằng Út Mỹ thì được thừa hưởng căn nhà cũ kỹ của ba tôi để lại, còn anh Hữu và con Diệu thì ở chùm nhum trên mảnh đất của ba tôi gần đó, một cái xóm heo hút cách chợ Bạc Liêu gần 10 cây số. Dù ở chợ hay ở quê, dù khá giả hay nghèo hèn, từ khi ba tôi qua đời, nhà anh em tôi đều có cái bàn thờ trang trọng ở giữa nhà trước. Mà kể cũng lạ, cái “nhiệm vụ mới” này không hề làm chúng tôi lúng túng, cứ theo cách của ông bà,cha mẹ mà làm, giống như có khuôn phép đã định sẵn.

Một bữa anh Hữu ghé nhà tôi rất sớm. Tôi ngỡ có chuyện gì, hóa ra anh trồng được một cây ổi ngon, anh chọc mấy trái ổi to nhất đầu mùa vụ của lứa ổi đầu tiên mang ra cúng cha mẹ. Anh thắp nhang, quỳ trước bàn thờ lạy ba má bốn lạy. Nhìn cái dáng vẻ nghèo nàn, món quà cúng đơn sơ của anh, tôi xúc động đến ứa nước mắt. Con Diệu, thằng Mỹ cũng vậy, mỗi lần có dịp ra chợ Bạc Liêu thì nó ghé nhà tôi, có tiền thì mua ít trái cây đến cúng, còn không thì thắp nhang cha mẹ rồi về.
 
Thuở sinh tiền ba tôi kể: Khi giặc Pháp gây loạn đao binh ở miệt Tiền Giang mà Nguyễn Đình Chiểu viết: “Bến Nghé, cửa Tiền tan bọt nước / Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây” thì ông nội tôi bồng bế gia quyến xuống chiếc ghe củi xuôi về miệt Hậu Giang rồi ghé lại đất này khai khẩn. Đối với ông nội tôi, hành trang quý giá và thiêng liêng nhất trong cuộc ly hương ấy là cái giường thờ thờ ông bà cố tôi. Ông bảo, đời ông tha phương cầu thực, bơ vơ trơ trọi nơi đất khách quê người, có bàn thờ cha mẹ trong nhà là ông cảm thấy như có dòng tộc, bản quán quê mình.

Mỗi năm khi tết đến, ông nội tôi chưng dọn hoa quả, nhang đèn trên giường thờ rất tươm tất. Đến giao thừa, ông lại dọn lên đó một mâm cỗ rồi tắm rửa sạch sẽ, mặc áo dài khăn đóng mà lạy bốn lạy trả nghĩa gia tiên. Sáng mồng một ông nội tôi thắp nhang mừng tuổi ông bà xong mới đi thắp nhang nhà bà con, hàng xóm.

Đến đời ba tôi, ba cũng làm đúng y như thế. Hồi đó nhà tôi nghèo lắm. Do chiến tranh liên miên, ruộng vườn thất bát, ba tôi phải đi đập lúa mướn, má tôi phải trầm mình cấy lúa thuê, vậy mà ba tôi vẫn chắt mót sắm được cái tủ thờ để thay cho cái giường thờ của ông nội tôi để lại đã hư. Năm 1978-1979, gia đình có lúc ăn cơm độn khoai, vậy mà đến ngày kỵ cơm nội ngoại tôi, ba má tôi làm rất tươm tất. Cây trái ở vườn nhà chín ba tôi hái cúng bàn thờ rồi mới ăn.

Anh em chúng tôi đã tiêm nhiễm cái tinh thần ấy của gia đình, dòng họ hồi nào cũng không biết, chỉ biết rằng mỗi lần giỗ kỵ là bốn nhà tập trung, đến để chia sẻ cùng nhau.

Ngày một lớn tuổi tôi càng bị chi phối bởi truyền thống gia đình. Hằng năm khi sắp tết, tôi hay lân la theo vợ mình và chị, em dâu gói bánh để “hưởng” cái sinh khí tết trong lúc gió xuân bay nhảy trên đồng. Đó cũng là dịp để tôi cùng anh em chưng dọn, sắp xếp bàn thờ. Đêm giao thừa, cả nhà tôi lớn nhỏ đều thức rồi dọn cỗ, bánh mứt, thắp nhang lạy ông bà, cha mẹ. Thật lạ, trong cái đêm tĩnh mịch, trong thời khắc thiêng liêng của năm cũ chuyển sang năm mới, tôi quỳ trước bàn thờ rồi nhìn lên di ảnh của ba má tôi, bỗng thấy thương đời cha mẹ mình nghèo, nuôi mình lớn lên bằng những đồng tiền ít ỏi từ công cấy mướn dầm mưa đến đỏ đèn, từ bao ngày đập lúa đến tóe máu tay... Vừa lạy vừa ứa nước mắt và cũng chợt nhận ra tục lạy ông bà đêm giao thừa còn dạy ta làm người. Nó nhắc ta nhớ công ơn của người trước, cho ta một nhân cách, là tâm hồn của những kẻ biết trước biết sau. Anh không nhớ công ơn cha mẹ thì làm sao biết đường nuôi dạy con cái. Anh không tỏ tường công lao trời biển của tổ tiên thì làm sao hiểu được đất nước gian truân đến cỡ nào. Đã không hiểu thì không thể yêu. Đã yêu thì nó làm ta hiểu và yêu nhiều thứ khác. Ta nhớ mẹ ta như thân cò lặn lội đồng sâu thì ta cũng sẽ nhớ cái mảnh đồng sâu ấy hoài thai hạt gạo để cùng mẹ nuôi ta đến phổng phao thành người.

Và trên tất cả là ta tặng con ta một tấm lòng, lòng thành ấy là năng lượng cho truyền thống tiếp bước.
Thường thì hừng đông ngày mồng một tết là tôi và ba đứa con có mặt ở quê. Mười ba năm nay không có sự thay đổi. Đó là cuộc hành trình để các con tôi về với gốc rễ của chúng. Cha con tôi thắp nhang lạy nội, ngoại rồi ăn một bữa cơm, uống một ly rượu ở nhà anh em trong một ngày mới tinh khôi. Xong, dứt khoát tôi phải ăn với thằng Cảnh, anh em cô cậu ruột của tôi một bữa cơm. Nó là thằng nghèo nhất dòng họ. Ăn cơm đạm bạc với nó, uống với vợ chồng nó một ly rượu vậy mà mắt vợ chồng nó lấp lánh niềm vui. Đời em mình nghèo, tặng nhau một niềm vui thì đời ta là mùa xuân vậy!

Sau đó cha con tôi đi thắp nhang mừng tuổi ông bà ở nhà bà con dòng họ và láng giềng ở xóm cũ rồi vội về nhà vào khoảng 11 giờ trưa. Ở nhà tôi lúc bấy giờ đã đặc cứng người. Anh em ruột thì đến đủ cả vợ lẫn chồng, lại thêm vợ chồng con cháu của họ và rất nhiều bà con chòm xóm khác. Đời thật là sòng phẳng, anh có đến nhà người ta thì người ta mới đến nhà anh. Họ đến để làm một thủ tục trang trọng là thắp nhang chào ba má tôi trong dịp năm mới. Còn gia đình tôi thì có trách nhiệm dọn một mâm cỗ cho ít nhất 50 người. Anh em, dòng họ, láng giềng lâu lâu mới lại được ngồi lại với nhau vào ngày mới, thế là uống. Chị dâu cụng ly em chồng, em gái cụng ly anh trai, cháu chúc chú phát tài năm mới...“100% nghen!”. Họ kể với nhau không biết bao nhiêu chuyện vui trong một năm, rồi họ hát... Vui quá, em gái đến hôn anh trai một cái mong cho anh mình sang năm khá hơn năm cũ rồi vợ chồng hôn nhau... Niềm vui nổ ra ngất trời, chủ nhà chỉ còn biết uống, xúc động mà ngẫm nghĩ: “Mình có làm gì mới mẻ đâu, chỉ thực hiện theo truyền thống mà đời tặng mình nhiều thứ quá!”.

Cổ lệ là truyền thống, nếu nó còn sống đến hôm nay thì nó là văn hóa, nó kết tinh những điều hay lẽ phải. Nó có sức mạnh thần kỳ như một thứ bửu bối, sức mạnh của nó là làm cho con người có tư cách con người, nó giữ gìn các mối quan hệ dòng tộc, láng giềng. Nhìn vào dòng họ tôi và nhìn vào làng quê, tôi thấy những người lương thiện của thế hệ đi trước đã chuyển giao bửu bối cho thế hệ con cháu một cách tử tế. Nhưng không phải ai cũng tiếp nhận được bửu bối trong những cuộc chuyển giao này. Những kẻ tự tách bầy đàn, thoát ly khỏi truyền thống là những kẻ không được thừa hưởng tinh thần dòng họ, tay trắng không có bửu bối mà trang bị cho con cháu. Con cháu họ đang đứng trước một xã hội hội nhập với sự xâm nhập của nhiều lối sống từ nhiều luồng văn hóa, trong đó có mặt tốt nhưng đồng thời cũng có nhiều hố sâu vực thẳm, không có sức đề kháng để bảo vệ mình,  rất dễ bị sa ngã, đồng hóa.

Tết. Đó là những ngày vui tưng bừng và là những ngày mà cuộc đời trình diễn ngoạn mục nhất vẻ đẹp truyền thống. Đó cũng là những ngày mà chúng ta cảm thấy phải quay về với tâm hồn dân tộc - các nhà văn hóa gọi là chấn hưng dân tộc.


.