Những ai phải chú ý thực đơn ngày Tết?

09:01, 26/01/2012
.

Sự đa dạng về đồ uống và thức ăn trong ngày Tết là một điều không thể thiếu đối với mọi gia đình. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể “vô tư” sử dụng chúng. Chưa kể đến những yếu tố do ngộ độc thức ăn gây ra mà nhiều người bệnh mạn tính cần phải dè chừng trước sự hấp dẫn của những món ăn ngày Tết.

Bệnh nhân gút cần duy trì chế độ ăn giảm đạm

Gút là một bệnh do rối loạn chuyển hoá các nhân purin, trong đó, tăng acid uric máu là đặc điểm chính. Bệnh thường gặp ở nam giới, tuổi trung niên, bệnh liên quan nhiều đến chế độ ăn uống quá nhiều chất đạm, uống quá nhiều bia, rượu. Do vậy cần hạn chế tối đa uống rượu, bia vì rượu, bia làm tăng acid lactic trong máu dẫn đến tăng lắng đọng urate ở khớp. Duy trì chế độ ăn giảm đạm (protein). Đảm bảo uống đủ nước để thận có thể lọc tốt (2-2,5 lít/ngày), nhất là sau khi uống rượu, bia, ăn nhậu. Kiềm hoá nước tiểu để tăng đào thải acid uric qua thận bằng các loại nước khoáng có kiềm cao hoặc nước kiềm 14%. Những thực phẩm không nên ăn là thức ăn giàu purin như phủ tạng động vật (gan, óc, tim, lòng, bầu dục), một số loại nấm, măng tây, tôm, cua, cá béo, cá hộp, thịt bê, đậu hạt các loại... Có thể ăn trứng, sữa, hoa quả.

Hạn chế đường, lipid, protein ở người bị gan nhiễm mỡ

Khi gan bị nhiễm mỡ, chức năng của gan giảm, người bệnh ăn khó tiêu, luôn có cảm giác như đầy hơi, cơ thể mệt mỏi. Càng ăn nhiều thức ăn chứa đường, protein, lipid họ càng khó chịu. Mỡ trong cơ thể người không chỉ đến từ thức ăn, nguồn gốc chủ yếu khác còn là do lượng đường hấp thu quá mức chuyển hoá thành mỡ dự trữ lại trong cơ thể. Do vậy đây là lý do khiến bệnh nhân gan nhiễm mỡ phải chú ý khẩu phần ăn ngày Tết.

Bánh kẹo- “sát thủ” của người rối loạn chuyển hóa đường

Ở những bệnh nhân này, thực phẩm giàu đường thực sự là kẻ thù số một. Họ không chỉ hạn chế tối đa đồ ngọt (các loại bánh ngọt, kẹo, nước giải khát có đường, siro, mật ong...) mà còn phải hạn chế cả những loại lương thực có hàm lượng đường cao (như bánh mì trắng, bánh mì toàn phần, bột dong, yến mạch, gạo trắng), các loại trái cây nhiều đường như chuối, dưa hấu, cam, các loại quả sấy khô. Chính vì vậy trong ngày Tết, người bệnh đái tháo đường phải được quan tâm chăm sóc chu đáo đến chế độ ăn, nhất là những người đã có nhiều biến chứng. Ăn nhiều bánh kẹo ngọt trong ngày Tết còn có thể khiến cho đường huyết trong cơ thể bị rối loạn, khiến cơ thể mệt mỏi và gặp nhiều vấn đề rắc rối khác.

Dinh dưỡng trong mâm cỗ Tết ít có lợi cho bệnh nhân suy thận

 Hầu hết các món ăn ngày Tết rất giàu năng lượng, trong đó đặc trưng nhất là bánh chưng. Loại bánh này rất giàu năng lượng và có nhiều chất béo ít có lợi cho sức khỏe, nhất là ở bệnh nhân suy thận mạn đã có tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và ở bệnh nhân có hội chứng thận hư có tăng mỡ máu. Mặt khác, bánh chưng cùng với dưa muối, thịt đông là những món ăn chứa một hàm lượng muối cao, nhiều chất béo, không tốt cho người mắc bệnh thận có kèm thêm tăng huyết áp hoặc bị phù. Các loại giò chả… cũng là những món có nhiều chất béo, hàm lượng protein khá cao, do vậy người suy thận cũng chỉ nên ăn một lượng rất hạn chế khoảng 100-150g/24 giờ và có thể ít hơn nữa nếu các bệnh nhân suy thận có kèm theo tăng huyết áp, suy tim hoặc suy thận giai đoạn điều trị bảo tồn chưa phải lọc máu chu kỳ. Thức ăn từ phủ tạng của động vật như óc lợn, gan, dạ dày và một số thức ăn như dưa giá, măng, dù là măng tươi hay khô, đều là những thực phẩm làm gia tăng nồng độ acid uric trong máu, nên tránh dùng ở những người bị mắc bệnh thận có tăng acid uric đi kèm. Các loại thực phẩm như tôm, cá khô, xúc xích, thịt bò khô… có hàm lượng muối cao, nhiều chất béo như xúc xích nên cũng không tốt cho những bệnh nhân thận.

Người có cơ địa dị ứng “nhạy cảm” trước nhiều món ăn

Trong rất nhiều đồ ăn Tết, đặc biệt là các thức ăn, đồ uống, bánh kẹo có chứa nhiều chất phụ gia, đây là bất lợi cho những người có cơ địa dị ứng. Dị ứng thực phẩm là do dị ứng với loại protein trong thức ăn đó. Nếu nhẹ chỉ là nổi mề đay mẩn ngứa, tiêu chảy, nôn…nặng còn gây ra co thắt phế quản, lên cơn hen cấp tính có thể dẫn đến tử vong. Các loại thức ăn thường gây dị ứng là sữa bò, trứng, các loại đậu. Đặc biệt, các loại hải sản như cua, cá biển, tôm, sò, mực là nhóm dễ gây dị ứng nhất. Bên cạnh đó, một số chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm như hàn the, phẩm màu, bột ngọt cũng có thể là tác nhân gây dị ứng. Để tránh bị dị ứng phải biết nói “không” với món ăn gây dị ứng khỏi thực đơn của mình, chỉ nên ăn những thức ăn an toàn.

Những bất lợi cho người bệnh tim ngày Tết

Lượng tiêu thụ thuốc lá tăng vọt trong ngày Tết là vấn đề bất lợi với người bệnh tim mạch ngay cả khi họ không hút nhưng phải tiếp xúc với người hút. Thuốc lá làm rối loạn chức năng điều hòa mạch máu (vận mạch), hoạt hóa tiểu cầu, tăng đông máu, tăng huyết áp và nhịp tim, khởi phát và thúc đẩy quá trình vữa xơ động mạch tiến triển. Đối với những bệnh nhân tim mạch, uống nhiều rượu bia có thể gây ra những tiến triển đột ngột và nặng nề như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim. Các thức ăn ngày Tết luôn giàu dinh dưỡng, nhưng chỉ cần một bữa ăn nhiều cholesterol cũng có thể gây ra những diễn biến xấu cho người có bệnh mạch vành. Bên cạnh đó thì tiết trời lạnh vào dịp Tết cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
 
Theo SK&ĐS

.