Những ông đồ trẻ

03:02, 20/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vào dịp Tết đến, Xuân về, ở hội hoa xuân thuộc khu vực Quảng trường tỉnh, Công viên Ba Tơ (TP.Quảng Ngãi), mọi người lại bắt gặp hình ảnh những ông đồ trẻ đóng khăn xếp, áo dài, say mê viết thư pháp.

TIN LIÊN QUAN

Nét đẹp tao nhã của nghệ thuật thư pháp tưởng chừng chỉ phù hợp với bậc cao niên,  nhưng ngày nay vẫn còn những người trẻ gìn giữ truyền thống cho chữ của người Việt ngày Xuân.

Bắt nguồn từ đam mê

Năm nay là năm thứ tư, anh Nguyễn Thanh Lâm (28 tuổi) ở thôn Nhơn Lộc 2, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), “hóa thân” thành ông đồ cho chữ ở chợ hoa xuân. Là họa sĩ, công việc những ngày cuối năm khá bận rộn, nhưng từ khi gắn bó với nghệ thuật thư pháp thì không năm nào anh Lâm không ngồi cho chữ ngày Tết. Anh Lâm, chia sẻ: “Tôi là họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn dầu, nhưng rất đam mê nghệ thuật thư pháp. Tôi dành riêng 2 năm để luyện chữ, tìm hiểu về thư pháp, năm 2014 mới bắt đầu viết chữ để phục vụ mọi người”. Theo anh Lâm, thư pháp là bộ môn nghệ thuật phải có sự đam mê, yêu thích thật sự mới có thể theo đuổi được, bởi nó cần sự khổ luyện, kiên trì.

Ông đồ trẻ Nguyễn Việt Hiệp đang cho chữ ở chợ hoa xuân.
Ông đồ trẻ Nguyễn Việt Hiệp đang cho chữ ở chợ hoa xuân.


Cũng là ông đồ trẻ, gắn bó với nghệ thuật thư pháp hơn 3 năm, bạn Nguyễn Việt Hiệp (24 tuổi, quê ở xã Hành Nhân, Nghĩa Hành), hiện là sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, tranh thủ những ngày nghỉ Tết ra chợ hoa xuân cho chữ. Hiệp cho biết, em yêu thích nghệ thuật thư pháp từ khi còn học cấp 3, nên tự tập tành luyện chữ. Khi vào đại học, em cố gắng luyện thêm để nét chữ mềm mại, bay bổng hơn... "Về quê, em cũng muốn có nhiều thời gian bên cạnh gia đình, nhưng một năm cũng chỉ có một lần được dịp cho chữ, nên cố gắng sắp xếp thời gian để được viết chữ trong ngày Tết. Được viết những câu đối, cho chữ, mang niềm vui, may mắn đến cho nhiều người thì không có hạnh phúc gì bằng", Hiệp bộc bạch.

Góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống

Những năm gần đây, ở chợ hoa xuân có từ 5-8 ông đồ ở độ tuổi từ 22-30 tuổi. Anh Lâm, cho biết: Tôi đặt mua vải và may áo dài từ nhiều tháng trước để có được bộ áo dài ưng ý nhất. Giấy, vải, khung tranh... cũng đều được chuẩn bị từ hơn 1 tháng trước. Những người viết thư pháp như chúng tôi đều mong muốn tái hiện, xây dựng nên hình ảnh đẹp về việc cho chữ ngày đầu năm để nhiều người biết đến. Trọng chữ là trọng tri thức, trọng truyền thống văn hóa...

Dù cuộc sống có hiện đại, phát triển thì vẫn có nhiều người dân yêu thích nét chữ thư pháp thanh tao và luôn muốn xin chữ ngày đầu năm với ước nguyện điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Bởi vậy mà các quầy tranh vẽ, thư pháp của các ông đồ luôn đắt khách. Trung bình mỗi dịp Tết, anh Lâm viết từ 400-500 tranh, chữ thư pháp trên nhiều chất liệu từ giấy, vải toan, gỗ, đá... Ông đồ trẻ Lê Đức, chia sẻ: "Càng nhiều người viết chữ thì sẽ càng nhiều người biết đến và yêu thích nghệ thuật thư pháp. Dù mỗi năm, ngồi ở chợ hoa có một lần, nhưng tôi đã gặp rất nhiều khách quen năm nào cũng đến xin chữ. Nhiều khi thấy khách hàng yêu chữ, thích thú với chữ mình viết, nên tôi tặng luôn, chứ không lấy tiền".

Ngày nay, thư pháp không còn là món quà Tết thiết yếu như xưa. Tuy nhiên, đối với nhiều người, có một câu đối đỏ, một nét chữ thanh tao treo trên tường nhà trong ngày Tết cũng đủ thấy mùa xuân đã về. Và, chính những ông đồ trẻ là người góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, để nó mãi lưu truyền theo năm tháng.  


Bài, ảnh: HIỀN THU



 


.