Chữ và tục xin chữ đầu xuân

03:02, 01/02/2017
.

Nhiều năm gần đây, áp Tết và sau Tết rất nhiều người, già có trẻ có, tìm lại một nét đẹp văn hóa truyền thống, đến phố "ông Đồ" xin chữ. Mỗi người đến phố xin chữ với tâm thế khác nhau, nói chung họ xin cái gì mà họ thiếu, mong muốn điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.
 
Người Việt trọng chữ 

 

 

Từ xa xưa, chữ đã được người Việt trân trọng. Với quan niệm "biết chữ" là chạm vào cánh cửa của tương lai, "giỏi chữ" đi thi nếu đậu ra làm quan và “một người làm quan cả họ được nhờ”... - vì thế người Việt trọng chữ gọi là "chữ thánh hiền", nhà nghèo đến mấy cũng cố cho con học dăm ba chữ thánh hiền. Thế kỷ thứ XII, nhà Lý đã cho xây Văn Miếu và Quốc Tử Giám để dạy chữ và thờ ông tổ của Nho học. Bây giờ nhìn lại thì có nhiều suy nghĩ và quan niệm khác nhau về Nho giáo nhưng giai đoạn đó là những bước đi vào thời hưng thịnh nhất của thời kỳ phong kiến để đào tạo trí thức, đào tạo quan lại trị dân. Thế kỷ XIX, ở Thăng Long, hằng ngày có người quẩy đôi bồ đi khắp phố phường nhặt những mảnh giấy có chữ Nho dưới đất mang về đền Ngọc Sơn đốt, người ta quan niệm chữ thánh hiền viết trên giấy không thể để chân người đi đường giẫm lên như thế là thiếu tôn trọng. Đó là đạo đức hiếu lễ, đạo đức tôn sư của Nho phong.

 
Chữ không chỉ ghi chép lại kiến thức, văn hóa mà chữ còn trở thành thú chơi. Xưa có tục thả chữ lên trời, các thầy đồ ăn tết Trùng cửu (ngày 9 tháng Chín âm lịch), ngày này họ lên núi uống “hoàng hoa tửu” và ngâm thơ. Tết của người Việt xưa còn có tục treo câu đối trong nhà, ngoài cửa và tục xin chữ đầu xuân. Câu đối dù xuất xứ từ phương Bắc nhưng vào Việt Nam nó đã được các nhà nho sáng tạo trở thành những câu để đời có tính chân lý lâu dài. Vì chữ Nho có thể viết theo nhiều lối nên người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay có thể tạo ra những hình tượng lạ mắt.
 
Thực ra chuyện xin chữ diễn ra quanh năm, nhà nào tân gia hay có việc hiếu, hỷ, thượng thọ hoặc có sự kiện trọng đại người ta vẫn xin chữ treo trong nhà, người xin bày tỏ nguyện vọng và thầy đồ sẽ lục tìm trong các áng cổ văn để tìm chữ có ý nghĩa phù hợp. Tuy nhiên, việc xin chữ ngày Tết diễn ra phổ biến hơn, vì sao như vậy? Gọi Tết nguyên đán là theo âm Hán - Việt, nguyên là đầu tiên, đán là buổi sớm, nguyên nghĩa nguyên đán là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm mới. Xin chữ đầu năm không đơn thuần chỉ là chữ mà trong chữ chứa đựng mong muốn, khát vọng sự mới mẻ, đổi thay. Tết theo chu kỳ thiên nhiên là mùa xuân mà “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn”, mùa xuân là bắt đầu của một năm nên xin chữ đầu xuân là hợp mọi nhẽ.
 
Chữ thường được viết trên giấy đỏ, theo quan niệm của người phương Đông còn duy trì tới ngày nay, màu đỏ tượng trưng cho màu máu, màu của sự sống và sự tái sinh nên trong ngày Tết mọi thứ đều có màu đỏ: Hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi, xưa giấy quấn pháo tép cũng bằng giấy nhuộm đỏ...
 
Xin chữ ở Hà Nội
 
Nếu ở các tỉnh, trong phiên chợ Tết có rất ít thầy đồ ngồi viết câu đối hay cho chữ thì Thăng Long - Hà Nội có hẳn phố viết câu đối, bán câu đối và viết chữ cho người có nhu cầu đó là phố Hàng Bồ. Hàng Bồ còn là nơi bán giấy, mực. Các nhà buôn chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Trung Hoa. Cạnh cửa hàng, các ông đồ trải chiếu bán câu đối, hay chữ đã viết sẵn trên giấy hồng điều, ai xin chữ các ông sẵn sàng vén tay áo vung bút viết chữ.
 
Nguyễn Phan Lãng là một nhà nho quê ở huyện Từ Liêm, ông tích cực tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1908, bị thực dân Pháp bắt và kết án rồi đày ra Côn Đảo, sau 15 năm ngồi tù, mãn hạn ông về phố Thuốc Nam (nay là phố Hàng Da) viết chữ, câu đối Tết kiếm sống, chữ ông đẹp nổi tiếng nên ai cũng mong có chữ của ông. Khi chữ quốc ngữ, chữ Pháp được sử dụng phổ biến trong xã hội, người xin chữ và viết câu đối Tết ở Hà Nội thưa dần, ông đã làm bài thơ về sự sa sút của Nho học. Còn có bài thơ rất hay của ông giáo Vũ Đình Liên, người vừa Nho học vừa Tây học đăng trên Báo “Tinh Hoa” năm 1936 là bài “Ông đồ”. Không chỉ tiếc nuối cho một thứ chữ gắn bó nhiều thế kỷ với người Việt đang mai một mà lớn hơn, Vũ Đình Liên canh cánh, lo lắng cho văn hóa truyền thống Việt Nam đang bị đe dọa bởi văn hóa phương Tây:
 
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Mang mực Tầu giấy dó
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
… Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
 
Sau năm 1954, do quan niệm khác, tục xin chữ đầu xuân và viết chữ Nho bị cho là tàn dư của chế độ phong kiến nên người biết chữ Nho không ai dám viết và người dân cũng không dám xin chữ. Một tục văn hóa đẹp gần như bị lãng quên mấy chục năm. Và rất may nó đã hồi sinh nhờ các ông đồ già. Đầu thế kỷ XXI, một vài người tự phát ngồi viết chữ và bán câu đối ở dốc phố Bà Triệu. Rồi đoạn phố này đông dần và nay thì chuyển hẳn về Hồ Văn trước cửa Văn Miếu tạo thành phố mà dân gọi nôm là phố “ông Đồ”.
 
Trước Tết dạo quanh phố này tôi khá bất ngờ, không phải vì có cả các “cô đồ”, “cậu đồ” trong trang phục truyền thống ngồi đĩnh đạc xen lẫn với các “cụ đồ” mái tóc đã bạc, mà bất ngờ vì người xin chữ. Nguyễn Thanh Hùng vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội và lập công ty phần mềm cho biết, khởi nghiệp không thể nóng vội nên đến xin chữ “Dục tốc bất đạt”. Có đôi trai gái trẻ ăn mặc hiện đại chắc sắp cưới đến xin “cụ đồ” chữ “Phúc”, cũng thấy người xin chữ “Bình”, chữ “An”, hay chữ “Thịnh”. Có ông đồ còn giảng giải cho người xin chữ về ý nghĩa của chữ họ xin và cả tích cổ. Và tôi thấy ai xin được chữ ra về cũng rạng rỡ, phấn chấn như những bông hoa giữa mùa xuân Hà Nội.
 
Trọng chữ là trọng tri thức, trọng truyền thống văn hóa... - nét đẹp ấy bao năm vẫn mãi lưu truyền!
 
Nguyễn Ngọc Tiến/ Báo Hà Nội mới

.