Nhộn nhịp bánh chưng, bánh tét

09:01, 24/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)-Những ngày cận Tết, các cơ sở làm bánh chưng, bánh tét đang tất bật nổi lửa để kịp thời có bánh chưng giao cho khách hàng đón Tết. Người mua nhiều, người nấu ít, nhiều nơi làm mỏi tay vẫn không đủ bán.

TIN LIÊN QUAN

Kí ức bánh chưng xưa

Có lẽ, trong những món ẩm thực của người Việt thì bánh chưng, bánh tét là loại bánh truyền thống nhất trong các loại bánh truyền thống. Chiếc bánh hình vuông đã đi vào sự tích Vua Hùng, Lang Liêu như một huyền thoại làm kí ức chung cho cộng đồng người Việt, gửi gắm quan niệm của tổ tiên về đất và trời, về sự bảo bọc của cha mẹ đối với con cái.

 

Bánh chưng, bánh truyền thống của người Việt. Ảnh: Phạm Linh.
Bánh chưng, bánh truyền thống của người Việt. Ảnh: Phạm Linh.


Bao lớp người đã sinh ra, lớn lên và mất đi, bao nhiêu thăng trầm đã trải qua với mảnh đất này, dù bao nhiêu đổi thay nhưng có những điều không thay đổi. Một trong những điều không đổi ấy là dấu ấn của nền văn minh lúa nước thể hiện qua sự trọng hạt lúa, hạt gạo. Có lẽ vì thế mà bánh chưng, một trong những món ăn chắt chiu được những gì tinh túy nhất của lúa gạo vẫn còn được lưu truyền lại đến hôm nay.

Cuộc sống ngày càng bận rộn hơn, Tết đến nhà nhà đều tất bật, những thế hệ mới sinh bây giờ có lẽ sẽ khó có được những kí ức mà những người lớn hay kể. Không còn những mẹ, những bà sốt sắng tìm lá chuối, cặm cụi phơi rồi cần mẫn gói, để đến đêm giao thừa cả nhà quây quần bên bếp lửa chờ nồi bánh chưng, bánh tét sôi sùng sục dậy mùi thơm phức.

Nghề "gói Tết" hộ người


Bây giờ, nấu bánh chưng, bánh tét cũng được "chuyên môn hóa", một tháng trước Tết, những "tín đồ" của bánh chưng, bánh tét đã í ới gọi đến các cơ sở nấu bánh đặt hàng.

Chợ Châu Sa, xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi những ngày này tấp nập người mua kẻ bán. Hỏi ai bán bánh chưng, bánh tét, các tiểu thương đều chỉ cô Liên nhà gần cầu Sắt. Cô Liên tên đầy đủ là Phùng Mai Liên (65 tuổi), bà chủ của lò bánh chưng, bánh tét nổi tiếng nhất ở thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu.

Cơ sở làm bánh cô Liên đỏ lửa quanh năm, nhưng đến Tết cô phải thuê thêm nhân công để làm kịp các đơn đặt hàng. Ba ngày trước giao thừa, cô Liên phải có đủ 3.000 chiếc bánh để giao cho khách hàng. Cô bảo đây là cái nghề "gói Tết" cho người, mà càng ngày càng nhiều người đặt bánh, chỉ sợ không gói nổi chứ gói bao nhiêu bán cũng hết.

Nửa gian nhà cô Liên dùng cho việc nấu bánh. Nơi chất nếp, nơi chất củi, nơi làm hỏa lò, cái gì cũng to hơn so với hình dung về cách nấu bánh chưng như thông thường.

Để một nồi bánh chưng, bánh tét chín phải mất khoảng 12 giờ đồng hồ, người nấu bánh phải thức đêm canh bánh. Ảnh: Phạm Linh.
Để một nồi bánh chưng, bánh tét chín phải mất khoảng 12 giờ đồng hồ, người nấu bánh phải thức đêm canh bánh. Ảnh: Phạm Linh.

 

Nếp từng bao chất lên cao nửa nhà, nồi nấu bánh to như thùng phuy, còn gỗ từng khối phải là loại gỗ liễu vì chỉ có loại gỗ này mới săn chắc và cháy lâu. Thời gian để một nồi bánh chín khoảng 12 đến 15 giờ, nếu không dùng gỗ liễu, người nấu bánh sẽ không có thời gian nghỉ ngơi.

Gia đình cô Liên đã làm bánh chưng, bánh tét "chuyên nghiệp" được hơn 50 năm, nghề làm bánh được mẹ cô truyền lại không chỉ là bánh bí về cách nấu mà còn là cái tâm của người nấu, làm sao để bánh chín đều, vừa thơm ngon, vừa sạch để người mua có thể vừa thích thú thưởng thức, vừa có thể an tâm làm quà biếu, vừa thành kính dâng ông bà.

Uy tín lâu năm, những người xa quê nhớ bánh chưng Tết từ TP. Hồ Chí Minh cũng tìm đến cô Liên đặt hàng. Tình yêu quê hương cũng được kết nối bằng con đường ẩm thực như thế.

Bởi đã yêu nên giá bán cũng không kì kèo mặc cả, ngày thường một cây bánh tét khoảng 200 nghìn, ngày Tết cây bánh tét mập mạp hơn nên có giá khoảng 250-300 nghìn, còn bánh chưng thì giá khoảng 60-80 nghìn/ bánh nhưng vẫn tấp nập người mua.

Ở thôn Phú Bình có khoảng 5 gia đình làm bánh tét như cô Liên, với họ, ngày Tết không phải là ngày nghỉ mà là thời vụ. Nhưng nếu không như vậy, tết với những người bận rộn, những đứa con thị thành có lẽ sẽ bớt đi phần ý nghĩa.

Những biến tấu của bánh tét

Bởi hình khối mang tính mỹ thuật cao, kết hợp nhiều nguyên liệu như nếp, đậu xanh, thịt heo, các công đoạn đòi hỏi sự chính xác, tỉ mẩn mà nấu bánh chưng, bánh tét cũng là một "môn nghệ thuật" khó. Bởi thế, không chỉ người lớn tuổi mà lớp trẻ hơn cũng muốn "thử thách" mình với "môn nghệ thuật này".

 

Chị Tôn Thị Quỳnh My (ngoài cùng bên trái) nấu bánh tét bán Tết khoảng 10 năm nay. Ảnh: Phạm Linh.
Chị Tôn Thị Quỳnh My (ngoài cùng bên trái) nấu bánh chưng, bánh tét bán Tết khoảng 10 năm nay. Ảnh: Phạm Linh.

Trên mạng, nhiều người trẻ quảng cáo bánh chưng, bánh tét tự tay làm, rao bán bánh truyền thống bằng truyền thông hiện đại. Và bánh chưng, bánh tét qua bàn tay sáng tạo của họ cũng có những nét chấm phá bất ngờ, lạ lẫm.

Là người dân Quảng Ngãi nhưng chị Tôn Thị Quỳnh My(40 tuổi, giáo viên trường THCS Nguyễn Chánh) lại có mẹ chồng người Bắc, thế là chị vừa học được được bí kíp nấu bánh bét kiểu miền Nam từ mẹ ruột, bánh chưng kiểu miền Bắc từ mẹ chồng.

Mười năm qua, cứ đến Tết chị My lại nhận đặt hàng nấu bánh. "Nấu bánh quen rồi. Nghề tay trái mà cũng gần như tay phải", chị My nói. Nhà chị My ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, vừa gần lò mổ thịt, lại giữa vùng chuối bạt ngàn, đậu phụng để ép dầu làm bánh trồng trong vườn, nên nguyên liệu làm bánh đều "ở ngay đây".

Nghề "tay trái" với bánh chưng, bánh tét như một hành trình trải nghiệm mà qua mỗi mùa bánh, chị My lại rút ra một bí quyết nào đó để bánh ngon hơn.Những năm gần đây, chị thử nghiệm trộn nếp với đậu phụng, đậu đen để làm bánh tét.

Với những nguyên liệu này, bánh tét có hương vị lạ hơn nhưng rút ngắn thời gian sử dụng, ở môi trường ngoài có thể sử dụng trong 3 ngày, còn bỏ tủ lạnh thì đến 10 ngày. Ngoài ra, đây là loại bánh giàu dinh dưỡng ngay cả khi không làm nhân thịt, phù hợp với những người ăn chay.

Bánh tét với đậu phụng, một biến tấu của bánh tét. Ảnh: Phạm Linh.
Bánh tét với đậu phụng, một biến tấu của bánh tét. Ảnh: Phạm Linh.

Tết này, chị My nhận khoảng hơn 1.000 bánh, toàn là những mối "truyền khẩu, truyền tai". "Có người đặt bánh gửi ra cho bộ đội Lý Sơn nữa đó nghe", chị My hào hứng.

Không còn cảnh nhà nhà nổi lửa, người người nấu bánh chưng như xưa, nhưng bánh tét, bánh chưng vẫn đỏ lửa đâu đó trong những gia đình có mẹ, có bà thảnh thơi, đỏ lửa trong những gia đình như cô Liên, chị My.

Ở nơi đó, có những người "gói Tết hộ người". Mỗi khi nghé ngang những ngôi nhà ấy, nghe mùi hương bánh chưng, bánh tét là kí ức Tết xưa lại ùa về. Những chiếc bánh chưng, bánh tét sẽ còn đi xa, vào thành phố, ra hải đảo, chỉ cần lột lớp lá chuối ra là thơm nồng một mùi của Tết.

 

Phạm Linh
 


.