Nét đẹp ngày Tết

04:01, 28/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua biết bao thế hệ, Tết cổ truyền của dân tộc vẫn được người Việt Nam gìn giữ. Bởi Tết không chỉ là bữa ăn ngon, phong bao lì xì hay quần áo mới, mà Tết là dịp để những người thân yêu có thể vui vầy bên nhau.  

TIN LIÊN QUAN

Cuộc sống nhộn nhịp ngày nay đã làm cho nhiều nét đẹp của Tết cổ truyền của dân tộc đã dần mai một. Dẫu vậy, trong bộn bề những lo toan ấy thì vẫn còn nhiều người đang giữ gìn những giá trị truyền thống của Tết...

Mâm cỗ đầy, vơi

Có lẽ, không người Việt Nam nào không biết đến 2 câu đối miêu tả đầy đủ về cái Tết cổ truyền của dân tộc: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh...”. Mỗi món ăn đã gợi nhớ đến hương vị Tết. Đã có thời, những đứa trẻ con tíu tít bên bố, mẹ để xem việc chuẩn bị các món ăn ngày Tết. Trong đó, bánh chưng, bánh tét đã trở thành món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết. Ngày xưa đã thế và bây giờ vẫn vậy. Có thể, cuộc sống hiện đại không còn nhiều những nồi bánh chưng được nấu bằng củi cháy rực giữa đêm lạnh giá, nhưng hương vị của nếp, đậu xanh hay thịt mỡ thì vẫn vẹn nguyên.

Du xuân.
Du xuân.


Tết đến, gia đình nào cũng chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên. Những món ăn cổ truyền đã làm nên dư vị đặc biệt của những ngày Tết. Cỗ Tết truyền thống của người Việt trên khắp mọi miền đất nước đều có những món truyền thống như bánh chưng, gà luộc, xôi... nhưng cũng có những nét khác biệt tùy nơi. Mâm cỗ có vị trí đặc biệt trong ngày Tết không chỉ vì truyền thống của người Việt từ xưa là muốn thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt. Vui vầy quanh mâm cơm ấy, ông bà, con cháu còn được sum vầy, nói những câu chuyện vui vẻ và dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.

Dẫu truyền thống vẫn còn đó, thì Tết nay cũng khác xưa nhiều. Nếu như ngày trước, người dân tự chuẩn bị mâm cúng tổ tiên, thì bây giờ nhiều người thường đi mua sẵn, không phải nhà nào cũng giữ được các món truyền thống trong mâm cỗ nữa. Có lẽ do thời xưa đời sống vật chất không như bây giờ, mọi người chờ đến Tết mới dám làm gà, mổ lợn, bao nhiêu món ngon để dành đến Tết, nên các món ăn trở nên quý hơn, mâm cơm Tết vì thế cũng được mong đợi hơn. Còn ngày nay, cuộc sống cũng đủ đầy hơn, nên việc chuẩn bị cho 3 ngày Tết không quá nặng nề. Chỉ cần ra chợ hay vào siêu thị thì thứ gì cũng có, thậm chí người ta còn mang đến tận nhà.

Tết của tình thân

Tết không chỉ là bữa ăn ngon, phong bao lì xì hay quần áo mới, mà Tết là dịp để những người thân yêu có thể vui vầy bên nhau. Tết là thời khắc gia đình đoàn viên sum họp, gắn kết yêu thương, buộc chặt lại sợi dây tình cảm vắt qua nhiều thế hệ. Sẽ chẳng còn Tết nữa nếu thiếu vắng bất cứ một thành viên nào đó của gia đình trong giây phút chuyển giao giữa trời và đất trên mảnh đất quê hương. Vì vậy, ai cũng trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa để đón chào những người thân yêu nơi xa trở về.

 

Những cành hoa mai đón Xuân về.
Những cành hoa mai đón Xuân về.


Tết còn là dịp để nhiều gia đình cùng đi tảo mộ. Đây cũng là dịp con cháu thể hiện tấm lòng hướng tới ông bà tổ tiên khi năm hết Tết đến. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân. Tục tảo mộ như một nét văn hóa nhắc nhở con cháu phải nghĩ đến ông bà, gia tiên khi mỗi độ Xuân về.

Nhưng Tết còn đẹp và ý nghĩa khi hàng xóm láng giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều bỏ qua hết. Ngày Tết không ai để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì nhau nữa. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành. Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thêm đậm đà. Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam là vậy đó...

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

                                                                                                   
 


.