Hương xuân lan tỏa từ chum rượu cần

02:01, 29/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Từ xa xưa, người Mường ở Hòa Bình đã có tục làm và uống rượu cần vào dịp Tết Nguyên đán. Bản sắc dân tộc ấy vẫn được họ lưu giữ và mang theo khi đến định cư trên vùng đất quế Trà Bồng.
 
Đón 35 mùa xuân ở xã Trà Sơn, huyện Bồng, năm nào bà Quách Thị Sớp (76 tuổi) quê ở Hòa Bình, luôn cùng con gái và các cháu gái chuẩn bị những hủ rượu cần nồng cay từ trước Tết vài tháng. Vốn là dân tộc Mường, thì dẫu đi nơi đâu, bà Sớp vẫn nhắn nhủ với thế hệ cháu con gìn giữ hương vị rượu cần ngày Tết đặc trưng của dân tộc mình.
 
“Đón Tết cổ truyền mà không có rượu cần thì coi như không có hương vị Tết đâu. Đã là phụ nữ Mường thì ai cũng phải biết làm rượu cần dù di cư vào Trung hay vô Nam”- bà Sớp vừa chia sẻ, vừa bưng hủ rượu cần đã chín, đon đả ra mời khách.

 

Rượu cần là đặc sản ngày Tết được người Mường đem ra mời khách
Rượu cần là đặc sản ngày Tết được người Mường đem ra mời khách
 
Chum rượu được đặt giữa nhà. Vừa mở lớp ni lông làm nắp che thì hương nồng đã tỏa khắp nơi. Gia chủ liền đổ vào chum một ít nước lọc là đã có thể thưởng thức ngay. Hớp thử một hơi rượu cần, đầu tiên sẽ chỉ thấy vị đắng và cay nơi đầu lưỡi. Nhưng rượu vừa đi qua cuống họng, thì dư vị ngọt nồng lại khiến cho người thưởng thức không ngại ngần uống thêm một ngụm nữa.
 
Những nguyên liệu đặc biệt như: ớt, gừng, riềng, lá mít, lá ổi và nhiều lá cây rừng và một thành phần không thiếu là vỏ cây gỗ mun đã làm nên thứ men có vị ngọt ngào nhưng lại nồng nàn đến vậy. Xa quê hương nhiều năm, nhưng hương Tết quê qua những chum rượu thơm nồng vị của núi rừng luôn được gia đình bà Sớp và hơn 30 hộ người Mường ở thôn Sơn Thành, xã Trà Sơn gìn giữ một cách trọn vẹn.

 

Hương vị rượu cần của người Mường khác biệt là nhờ vào men lá rừng
Hương vị rượu cần của người Mường khác biệt là nhờ vào men lá rừng
 
Nguyên liệu làm rượu cần là gạo nếp, trấu và men. Gạo nếp được ngâm qua một đêm để mềm, trấu thì phải rửa thật sạch, phơi khô sau đó trộn đều tất cả gạo, trấu với nhau cho vào đun. Sau khi, gạo nếp chín thì cho ra để nguội rồi mới trộn men lá rừng vào và tiếp tục ủ một đêm.
 
“Người trộn men phải làm sao cho men thật đều, ngấm vào từng hạt cơm, hạt trấu. Có như thế rượu mới dùng được lâu. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ không đủ ấm thì sẽ rượu sẽ không lên men được và toàn bộ các công đoạn trước coi như bỏ đi hết”- Chị Quách Thị Phương với kinh nghiệm 19 năm làm rượu, kể chi tiết về quá trình cầu kỳ để làm nên thứ rượu quen thuộc của dân tộc mình.
 
Khi rượu lên men thành công thì người ta sẽ cho vào vò ủ rượu chờ đến lúc uống được. Vò ủ phải được đậy kín để tránh không khí làm hỏng rượu. Những ngày nắng nóng, chỉ cần ủ khoảng 20-25 ngày thì đã làm ra thứ rượu ngọt ngào, có lợi cho sức khỏe và có giá trị tinh thần, văn hóa cộng đồng sâu sắc. Nhưng những tháng cận Tết, thời tiết ở vùng cao Trà Sơn thường xuyên mưa, lạnh thất thường. Nên cộng đồng người Mường nơi đây thường phải ủ rượu trước Tết đến 3 tháng.  

 

Những ngày cận Tết, người Mường ở Trà Sơn còn ủ và bán rượu cần cho những ai muốn thưởng thức hương vị truyền thống
Những ngày cận Tết, người Mường ở Trà Sơn còn ủ và bán rượu cần cho những ai muốn thưởng thức hương vị truyền thống
 
Cũng là rượu cần, nhưng rượu cần của người Mường có sự khác biệt lớn. Bởi, “Men phải là men từ lá rừng chứ không phải men rượu chế biến sẵn”- Chị Phương chia sẻ bí quyết.  Thứ quan trọng nhất quyết định rượu ngon hay không chính là men rượu. Men rượu giống như linh hồn của vò rượu. Sau bao đời truyền- nối, người Mường đã đúc kết nên kinh nghiệm để chọn thứ men làm từ thiên nhiên để tạo nên sức hút của những vò rượu cần.
 
Hương vị nồng nàn của rượu cần truyền thống đã theo chân người Mường đến và bén duyên trên đất Quảng. Để rồi khi Tết đến xuân về, cùng hòa vào không khí nô nức đón năm mới cùng người Cor và người Kinh, người Mường vẫn mời nhau và khách đến thăm nhà những hơi rượu cần ý vị.
 
Không chỉ lưu giữ cho riêng mình, người Mường còn ủ rượu cần để bán và giới thiệu với những ai ghé qua xã Trà Sơn những ngày Tết đến. Nhiều du khách vì lưu luyến hương rượu cần mà dừng chân mua vài vò rượu, mang về miền xuôi. Cứ thế, vị nồng cay đến say lòng người của rượu cần người Mường được hòa vào hương đất Quế được lan tỏa đi khắp nơi...
 
Bài, ảnh: An Điền

 


.