Hương vị Tết quê

07:01, 27/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Tết đến, việc nhà nông vẫn còn bề bộn. Nhưng dù bận mấy, nhiều gia đình ở quê tôi luôn thu xếp để tự tay gói và nấu những chiếc bánh tét mang đậm hương vị Tết quê…
“Với người nông thôn, nếu không tự tay gói bánh tét dùng trong 3 ngày Tết thì Tết chẳng còn ý nghĩa gì nữa con ạ!”- mẹ tôi vừa tất bật lật phơi từng tấm lá chuối trong ánh nắng hiếm hoi của ngày cận Tết. Rồi mẹ lại giục cha tôi chặt tre, chẻ lạt để bắt tay vào việc gói bánh tét.
 
Để chuẩn bị cho việc gói bánh, mẹ tôi phải chuẩn bị trước đó vài ngày. Lá chuối được cắt từ những cây chuối trong vườn, chọn những tàu lá thật xanh tốt, rọc ra rồi đem phơi nắng cho dịu lại. Thường lá chuối được dùng để gói bánh là lá chuối chát, vừa to bản lại không bị giòn. Lạt cột bánh lấy từ tre vừa đủ lá đem chẻ ra. Đương nhiên là phải chọn cho được loại nếp thơm dẻo. Trước khi gói, mẹ vo nếp cho sạch.

 

Nhiều gia đình ở nông thôn vẫn giữ truyền thống tự gói và nấu bánh tét để dùng trong 3 ngày Tết
Nhiều gia đình ở nông thôn vẫn giữ truyền thống tự gói và nấu bánh tét để dùng trong 3 ngày Tết
 
Nhiều nhà còn ngâm nếp cách đêm, hoặc ít lắm cũng vài ba tiếng đồng hồ. Vớt lên cho vào thúng để ráo nước. Nhân dùng bên trong có thể là đậu xanh, hoặc cùng với thịt heo tùy theo sở thích. Nhân nhiều hay ít còn tùy theo khả năng có được của mỗi nhà.
 
Năm nay, gia đình tôi đón Tết nhộn nhịp hơn khi có gia đình chị cùng 3 đứa cháu về ăn Tết sau nhiều năm xa quê. Nên mẹ chuẩn bị nếp, nhân nhiều hơn hẳn so với năm trước để con cháu được ăn bánh tét thỏa thích trong mấy ngày Tết. Cũng vì vậy, mà công đoạn gói và nấu bánh vui hơn hẳn.
 
Với người dân quê tôi, sau một năm lao động vất vả, dẫu còn nhiều gia đình nghèo khó, nhưng với họ, Tết chỉ thực sự về khi các thành viên trong gia đình cùng nhau bận rộn bên lon gạo nếp, đậu xanh và lá chuối.
 
Trong nhà, mẹ là người gói bánh khéo nhất. Những đòn bánh mẹ gói ra, mười đòn như một, đều đặn từ đầu đến cuối. Các góc ở hai đầu bẻ thật sắc gọn, bắt mắt. Nên năm nào, mẹ cũng là người chủ công gói bánh tét lo Tết cho cả nhà.
 
Mẹ nói: “Bánh gói phải vừa thôi. Nếu lỏng tay thì bánh sẽ nhão, còn chặt quá thì hạt nếp sẽ chai mà không chín được”. Trong lúc mẹ gói bánh, lũ trẻ con lăng xăng phụ lau lá và ngồi chăm chỉ học cách gói bánh từ mẹ. Gói bánh xong, khâu nấu bánh là lúc ai cũng mong đợi.

 

Được gói từ nếp, đậu xanh và thịt, bánh tét quê luôn mang hương vị đậm đà
Được gói từ nếp, đậu xanh và thịt, bánh tét quê luôn mang hương vị đậm đà
 
Bởi, đó là lúc cả nhà quây quần bên nồi bánh tét. Lửa sưởi ấm giữa tiết trời lành lạnh. Nghe tiếng nước sôi sùng sục trong nồi, ngồi nói chuyện bên nhau đợi bánh chín còn gì thích thú cho bằng. Mỗi lần châm lửa, nắp nồi được giở ra, hơi bay lên mù mịt, mùi bánh tỏa ra thơm phức. Việc nấu bánh lúc luôn là ban đêm, nên giấc ngủ trẻ thơ lúc nào cũng chập chờn bên nồi bánh tét, cùng với sự mong ngóng bánh mau chín để còn được nếm thử.
 
Qua ngày mồng 1 Tết, trên bàn cúng tổ tiên, ngoài những thức ăn, phẩm vật thường lệ, còn có những lát bánh tét thơm ngon, tròn trịa khiến cho Tết càng thêm đậm đà ý nghĩa. Bánh tét được ăn với củ kiệu, dưa hành và thịt muối là món ăn không thể thiếu trong những ngày đầu năm. Đặc biệt, từng lát bánh được chiên giòn vàng rộm mỡ béo ngậy, ăn đến no mà miệng vẫn còn thấy thèm.
 
Ngày nay, nhiều gia đình ở chốn thị thành vì nhiều lý do đã bỏ qua việc gói bánh tét mà vô tình làm vơi bớt hương vị Tết của những ngày xưa cũ. Với họ, Tết đã tất bật hối hả hơn với cuộc sống mưu sinh. Nhưng với người dân quê tôi, hương vị ấy vẫn được lưu giữ trọn vẹn đến tận bây giờ dẫu cuộc sống chưa thể gọi là đủ đầy…
 
Bài, ảnh: Thiên Vương

.