Giữ hương Tết quê

08:01, 29/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa muôn ngàn loại bánh trên thị trường, bánh Tết quê vẫn giữ được chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng. Không chỉ vì mưu sinh, những người làm bánh truyền thống còn coi đó là cách để gìn giữ nét văn hóa ẩm thực của dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Không cầu kỳ về mẫu mã, nhưng chính sự tinh khiết nguyên liệu, cùng mùi vị đặc trưng đã tạo nên sức sống dẻo dai cho những chiếc bánh truyền thống.

Nhộn nhịp vụ bánh Tết

Được xếp vào hàng lớn nhất nhì trong tỉnh, lò bánh truyền thống Công Ngàn của bà Lê Thị Công, thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, gần dịp Tết, bà Công phải thuê thêm nhiều lao động để làm bánh. Bà Công chia sẻ: “Tuy nghề này đã dần mai một, nhưng gia đình tôi kiên quyết không bỏ. Không gì hạnh phúc hơn khi những chiếc bánh quê được mọi người đón nhận như một ký ức về Tết xưa nghèo khó nhưng rất dung dị, chân chất”.

Những chiếc bánh quê tuy đơn giản nhưng không thể thiếu đối với người dân xứ Quảng. Ảnh: Hoa – Thu
Những chiếc bánh quê tuy đơn giản nhưng không thể thiếu đối với người dân xứ Quảng. Ảnh: Hoa – Thu


 Những ngày cuối năm, đi về các làng nghề, làng quê trong tỉnh, không khí làm bánh truyền thống lại rộn ràng.

Mặc dù chỉ làm trong dịp Tết, nhưng bánh mè cây của chị Võ Thị Thúy ở tổ dân phố Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) được nhiều khách hàng biết đến. Những người ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh không có điều kiện về quê ăn Tết cũng gọi điện để đặt hàng với số lượng lớn. Chị Thúy chia sẻ: “Tuy bánh của mình không có mẫu mã đẹp mắt như bánh của các công ty, nhưng quan trọng là mình làm bằng chính cái tâm, đúng hương vị của bánh truyền thống”.

 So với các loại bánh truyền thống khác thì bánh mè cây được xếp vào hàng khó làm và tốn nhiều công nhất. Để có được những chiếc bánh mè cây thơm lừng, giòn rất khó. Bởi loại bánh này chỉ cần sai sót một chút là chiếc bánh sẽ bị chai, cứng hay bị nát vụn. Chính vì sự “khó tính” ấy mà giá trị của bánh mè cây cũng chẳng thua kém những loại bánh đắt tiền được quảng bá trên thị trường.   

 Giữ hương vị bánh truyền thống      

Hằng ngày, cứ đúng 6 giờ tối, cụ Bùi Thị Chu ở tổ dân phố 2, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) cùng với hai người con gái bắt đầu công việc nhồi bột, sên đường, gói bánh... Qua nhiều công đoạn, những mẻ bánh truyền thống đủ loại, từ bánh ít lá gai, bánh ú, bánh dừa, bánh chưng... được cho vào nồi hấp chừng hai, ba giờ là những chiếc bánh quyện trong mùi lá chuối thơm ngon, nóng hổi được ra lò. Gắn bó với nghề này gần một đời người, nay cụ Chu đã gần 90 tuổi, nhưng lòng say mê với món bánh Việt vẫn đong đầy. Cụ Chu trải lòng: “Tôi làm, bán loại bánh này đã gần 60 năm. Nghề này tưởng chừng đơn giản nhưng rất nhọc, đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự tỉ mỉ, cẩn thận”.

Theo cụ Chu, ngoài tỷ lệ, cách nấu thì nếp chính là yếu tố hàng đầu quyết định độ ngon của bánh. Để có loại bánh ngon, thơm, bà thường dùng nếp sáp và nếp Hà Nội loại 1. Dù hiện nay, có nhiều loại máy móc hiện đại hỗ trợ việc làm bánh, nhưng tất cả các công đoạn, gia đình cụ Chu đều làm thủ công. Ngày thường, gia đình cụ Chu làm bán từ 100-150 cái, riêng ngày lễ, Tết thì cả nghìn cái mỗi ngày. Cụ Chu phấn khởi khoe: “Các loại bánh nhà tôi không chỉ đi các tỉnh, thành trong nước mà còn theo những người con xa quê bay qua cả trời Tây”.

Với những người làm bánh truyền thống, dù lợi nhuận không đáng là bao, nhưng nó đã trở thành cái nghiệp rồi nên không thể bỏ được. Dù cuộc sống có thay đổi, hiện đại thế nào chăng nữa thì những người làm các loại bánh truyền thống vẫn giữ lấy nghề, truyền nghề cho con cháu, vì đó không chỉ là mưu sinh mà còn là sợi dây gắn kết giữa quá khứ với hiện tại, giữa các thế hệ trong gia đình.

 Bánh ổ vùng đất quế

Ở huyện vùng cao Trà Bồng, cứ mỗi dịp Tết đến thì hầu như nhà nào cũng làm bánh ổ cúng ông bà tổ tiên. Nguyên liệu chính để làm bánh ổ chỉ là bột nếp và đường. Để có được chiếc bánh ổ phải trải qua rất nhiều công đoạn từ xay bột, nhào bột với đường theo tỷ lệ 1kg nếp - 1kg đường, thêm ít gừng giã nhuyễn cho thơm rồi đổ vào khuôn bằng rổ nhựa, đặt vào nồi hấp bánh. Bánh được hấp trong nồi lớn từ 3 - 4 giờ đồng hồ. Sau đó đem ra phơi nắng cho bánh cứng lại và khi dùng thì xắt lát chiên trên chảo dầu nóng.

 

Hồng Hoa - Hiền Thu
 


.