Về với nguồn cội

08:02, 12/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với mỗi người con xa xứ, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nỗi nhớ quê hương da diết hơn bao giờ hết. Tình thân gia đình, họ tộc và những phong tục ngày Tết... tất cả đã làm cho Tết quê trở thành dư vị khó quên. Bởi thế, dù ở bất cứ nơi đâu, những người con xa xứ cũng mong tìm về nguồn cội để đón cái Tết đầy tình thân.

TIN LIÊN QUAN


Nhớ Tết sum vầy

Thấm thoắt đã hơn 20 năm, vợ chồng anh Nguyễn Đình Toàn và chị Trần Thị Ly rời quê hương Tư Nghĩa vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Trong sâu thẳm trái tim, họ vẫn luôn dành tình cảm nồng ấm đối với quê hương. Những năm đầu xa quê, cứ đến ngày cuối năm chị Ly lại nhớ quê quay quắt, chỉ mong được về quê ăn Tết. Chị Ly còn nhớ Tết năm 1999, đứa con đầu lòng mới vài tháng tuổi nên cả nhà quyết định ở lại đón Tết tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày Tết càng đến gần, ngoài phố người người chở cúc, chở mai khiến nỗi nhớ quê lại càng thêm da diết. Nhớ lắm ngày giáp Tết ở quê, mùi gừng cay, mùi bánh thuẩn... thoang thoảng bay ra từ mỗi nóc nhà.

Nhà thờ họ Đặng ở xã Bình Long (Bình Sơn) đầy đủ lễ nghi trong ngày Tết.
Nhà thờ họ Đặng ở xã Bình Long (Bình Sơn) đầy đủ lễ nghi trong ngày Tết.


Đến ngày 28 tháng Chạp, không chịu thấu nỗi nhớ quê hương, vợ chồng chị quyết định về quê. Chị Ly tâm sự: "Tết ở quê, được vui vầy với người thân bao giờ cũng ấm cúng hơn. Được đi chúc Tết bà con họ hàng, gặp gỡ bạn bè thời thơ ấu, tình cảm đó quý giá không gì sánh được...". Kể từ cái năm đáng nhớ ấy, năm nào cứ vào dịp Tết cả nhà chị Ly lại náo nức về quê.

Vào thời điểm này, gia đình chị Ly - anh Toàn đã chuẩn bị để cả nhà về quê ăn Tết. Chị Ly bảo: “Năm nay mình dẫn các cháu về đi nhà thờ họ để các cháu biết tổ tiên ông bà. Các cháu cũng háo hức, mong chờ lắm”.

Giữ gìn truyền thống gia tộc  

Ông Đặng Thanh Phước, hiện sống ở TP. Ban Mê Thuột (Đăk Lăk), tuổi đã ngoài 70, dù đã nhiều lần về thăm quê Bình Long (Bình Sơn) nhưng lần nào cũng vậy, hễ xe chạy tới đầu xã là ông lại nhấp nhổm không yên. Ông giải thích: “Quê hương là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của một thời thơ ấu. Nhìn thấy con đường vào xóm, thấy những mái nhà của bà con thân thuộc là như thấy cả một miền ký ức, không xúc động sao được”. Cũng vì lẽ đó, mấy năm gần đây, dịp Tết đến là ông Phước lại cùng đứa cháu nội về quê. “Về để thằng nhỏ biết quê hương nguồn cội và học dần những lề thói, lễ nghi của ông bà...”, ông Phước nói.

"Ông đồ" là các bậc cao niên trong họ cho chữ ngày Tết.


Anh Đặng Thanh Lân (20 tuổi, cháu ông Phước) cho biết, ngày Tết về quê theo chân các chú bác trong họ đi sửa sang mồ mả ông bà. Ba ngày Tết thì tham gia cúng bái, dâng hương và lễ tạ tại nhà thờ tộc họ, đi chùa lễ Phật, ngồi xem "ông đồ" là các cụ trong tộc cho chữ, đi chúc Tết các cụ cao niên trong làng, chúc Tết bà con họ tộc...  “Ngày Tết ở quê thật sự rất bận rộn nhưng bổ ích. Tôi biết đốt nến dâng hương, biết tôn ti trật tự trong gia tộc, biết thế nào là nghĩa xóm tình làng... Mấy năm về quê ăn Tết chưa đến tuần lễ, năm nay tôi được nghỉ sớm nên cùng ông nội dành hẳn nửa tháng để ăn Tết ở quê”, anh Lân bộc bạch.

Với những người xa xứ, họ luôn mong được về quê đón Tết để quây quần hội tụ, được thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên, gặp gỡ anh em thân tộc sau một năm bươn chải tha hương. Những ai đã xa quê, nhất là chiều 30 Tết nơi xứ người mới cảm nhận được nỗi nhớ quê hương đến cháy lòng. Bởi thế, dù ở bất cứ nơi đâu, khi có điều kiện, ngày Tết những người con xa xứ vẫn về với nguồn cội, để được sống trong cái không khí tình nghĩa gia đình, xóm giềng, thân tộc. Như một lời hẹn ước với lòng, mỗi người con xa xứ lại tìm về với xóm làng, nhà thờ họ như để được anh linh người xưa tiếp thêm sức mạnh cho những chặng đường phía trước và gìn giữ tâm linh cội rễ cao quý của dòng họ mình.

Ngày Tết, tại các đình làng, chùa chiền, nhà thờ chi phái, tộc họ, đâu đâu cũng nhộn nhịp người vào ra. Trong dòng người đi lễ ấy có những người con của quê hương vừa từ nơi xa trở về, với một chút xao xuyến, bồi hồi nhưng quý lắm tình quê.
 

VŨ YẾN
 


.