Tìm đâu men rượu cần xưa?

10:02, 02/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dùng cây loang-blo mọc trên núi cao để ủ men, nên rượu cần ở các huyện miền núi Quảng Ngãi có hương vị rất riêng và đậm đà. Nhưng bây giờ, muốn tìm ché rượu cần  được ủ theo cách truyền thống rất khó. Bởi men rượu giờ rất dễ mua, dễ tìm, nên người làng thôi không còn nhọc lòng leo lên núi cao để tìm cây loang-blo.

TIN LIÊN QUAN

Khi rượu được ủ bằng men “đại trà”

Người Hrê không ăn Tết như người Kinh. Người Hrê ăn Tết theo từng nhà, từng làng. Khi nhà này, làng này tổ chức ăn Tết thì họ mời sui gia, bạn bè, họ hàng đến dự. Hôm sau nhà khác, làng khác tổ chức thì nhà này, làng này lại kéo nhau sang. Và trong không khí đầm ấm, sum vầy của ngày Tết, rượu cần chính là “đầu câu chuyện”, chưa có ché rượu cần thì chưa có Tết. Rượu cần được ủ từ cây loang-blo, loại cây chỉ mọc trên núi cao. Nên trước Tết tầm một tháng, những thanh niên trai tráng của làng phải lặn lội lên núi cao tìm về. Nhà nhiều khách thì làm 8-10 ché rượu. Nhà ít cũng được 4-5 ché. Cứ thế, hương rượu cần dập dìu mang theo hương Tết đi khắp làng.

 

Rượu cần được ủ trong những ché rượu cổ đáng giá bằng cả con trâu này, giúp hương vị rượu cần thêm thơm và giữ được lâu hơn.
Rượu cần được ủ trong những ché rượu cổ đáng giá bằng cả con trâu này, giúp hương vị rượu cần thêm thơm và giữ được lâu hơn.


Nhưng đó chỉ còn là câu chuyện của nhiều năm về trước. “Rượu cần làm từ cây loang-blo, cả huyện Ba Tơ này, may ra chỉ còn xã Ba Nam là giữ. Chứ giờ, cây loang-blo khó tìm. Men ủ rượu dưới xuôi chuyển lên chỉ 5 nghìn đồng là ủ được 2 ché. Bởi vậy, bà con đâu còn hăng hái tìm cây loang-blo như trước”, bà Phạm I Voan, thôn Nước Lăng, xã Ba Xa trầm buồn. Người Hrê ở Ba Xa bây giờ muốn ủ men bằng loang-blo thì chỉ có thể tìm đến bà I Voan. Bởi bà là một trong số ít những người còn giữ lại cách ủ men kiểu truyền thống. Cây loang-blo do đứa con rể lên rừng tìm về, được bà giã cùng củ gừng, củ riềng, ủ thêm với gạo nếp để thành men. Nắm men to bằng nắm tay được bà bán ra với giá 20 nghìn đồng, đủ để ủ 2 ché rượu. Ngày trước, nhà nào không có người lên núi, thường tìm đến bà để mua men. Nhưng giờ, theo bà I Voan, men công nghiệp được bán đầy ở tiệm tạp hóa với giá rẻ hơn một nửa lại dễ mua. Còn nhà bà nằm tít ở một làng heo hút, nơi ánh điện còn chưa tìm về nên số người tìm đến bà cứ vơi dần.

Chẳng còn ai muốn… say

“Rượu cần ủ bằng cây loang-blo thơm nồng nàn, vị lại ngọt thanh khiến người uống say lúc nào không hay. Còn  rượu cần ủ bằng men mua ở tiệm tạp hóa đắng chát, uống say rất dễ nhức đầu nên bà con chẳng còn ai muốn uống say”, già làng Phạm Văn Ố, thôn Mang Krá, xã Ba Xa lắc đầu.

Làm rượu cần theo kiểu truyền thống, phải chờ cả tháng, rượu mới có thể mang ra dùng. Rượu để càng lâu, càng ngon, càng thơm. Còn rượu cần bây giờ, chỉ cần bỏ ít bột men vào là một tuần sau đã có thể uống, nhưng vị rượu nhạt, để quá nửa tháng là rượu chuyển sang màu đen và bị chua. Thế nhưng, do cây loang-blo khan dần, đường đi cũng xa hơn, khó hơn, nên chẳng còn mấy ai mặn mà với cách làm men rượu truyền thống.

Ché rượu cần cổ xưa, một trong những yếu tố quyết định đến hương rượu, cũng dần được thay thế bằng những ché mới khi ché cổ rất có giá trị, lớp trẻ lần lượt bán đi. Già Phạm Văn Chúp, thôn Nước Như, xã Ba Xa- người còn giữ lại chiếc ché cổ loại 6 “tai” đáng giá bằng cả con trâu cho biết: “Ché tốt thì giữ được rượu lâu. Ché này người ta gạ mua bằng 1 con trâu. Nhưng tôi quyết giữ. Bởi nó là thứ từ đời cha mình truyền lại. Còn mấy cái ché xanh xanh bây giờ, chỉ đáng giá bằng 1 con heo con thôi, ủ rượu dở lắm”.

Số ché cổ đựng rượu cần còn sót lại ở Ba Xa, người thì cất giữ kỹ trong nhà, người thì mang đi chôn dưới đất vì sợ mất. Thứ rượu không nấu, được ủ trong ché cổ, giờ đã khan hiếm dần, để nhường chỗ cho bình mới, men mới… Chất ngọt đượm, thơm lâu của rượu cần sẽ “tan biến”, nếu không có phương án bảo tồn.

Bài, ảnh: Ý Thu
 


.