Một đỗi đường ký ức

07:02, 23/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Chạp. Thời gian chừng như trôi gấp gáp hơn. Ngoài đường, người và xe cũng nháo nhác lướt qua nhau nhanh hơn. Trên nền trời vừa mới  xanh lại sau những ngày mưa dầm dề, chỉ vài đám mây còn vấn vương hơi nước là không việc gì phải vội. Tôi đi dọc con phố cũ mà cảm thấy cái gì cũng không quen. Phải rồi. Ngày đã qua và người đã xa. Làm gì có ai biết tôi đã từng là cư dân của con phố này cách đây gần ba mươi năm. Nỗi nhớ đã dắt tôi về đúng con đường quen nhưng cảnh vật thì nhìn đâu cũng đầy lạ lẫm.

Ngày ấy, từ trung tâm thị xã Quảng Ngãi, con phố này chạy chưa đến Núi Bút thì đuối sức nên nhà cửa thưa thớt dần. Đâu như hồi đó người ta gọi con đường này là “đường Quang Trung nối dài”. Con đường nhựa bong tróc, đầy ổ gà. May mà có hàng cây trứng cá lúp xúp chạy dọc con đường. Nếu không, tôi biết lấy đâu ra màu xanh cho giấc mơ của mình trong những đêm trên gác xép.

 Thành phố bên dòng sông Trà.                                Ảnh: Nguyễn quốc Hưng
Thành phố bên dòng sông Trà. Ảnh: Nguyễn quốc Hưng


Không hiểu sao hình ảnh “căn gác xép” mà tôi gặp trong văn học lãng mạn cứ đẹp một cách… vô cớ. Đôi khi tôi loay hoay đi tìm câu trả lời. Có thể một phần vì câu hát thiết tha: “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa…”. Cầu được ước thấy. Mấy năm trọ học, tôi được chủ nhà giao hẳn căn gác xép, để những ngày chủ nhật tha hồ mà lười nhác, cuộn mình trong chăn, lắng nghe “nỗi buồn gác trọ”.

Đi một đỗi đường ký ức, tôi rưng rưng nhớ “Quán cây gòn” thân thuộc thuở sinh viên. Quán này chuyên bán bánh đập, là loại quà sáng mà cứ một cái bánh ướt được “đập” lên một cái bánh… ráo. “Bánh ráo” là những cái bánh tráng gạo đã nướng sẵn. Bánh ướt làm từ gạo, “bánh ráo” cũng từ gạo mà ra. Bẻ từng miếng bánh gập lại, chấm với nước mắm chua ngọt thì ngon quên sầu. Tôi không biết ở những nơi khác có loại bánh này không. Do vậy lâu nay tôi cứ đinh ninh rằng bên cạnh kẹo gương, mạch nha, đường phổi, đường phèn, có lẽ bánh đập đã nối dài danh sách những “đặc sản” Quảng Ngãi bởi những phẩm chất phong phú của nó: Trong dẻo ngoài giòn; trong mềm mại, ngoài cứng cáp; trong không lời, ngoài lại lắm âm thanh. Những năm “tem phiếu” ấy, những sinh viên sư phạm nghèo như tôi được lót dạ bữa sáng với bánh đập thì… ôi còn sung sướng nào hơn.

Con đường từ Trường Cao đẳng Sư phạm đến Trường Trần Quốc Tuấn có khá nhiều quán cóc rất dễ thương. Hồi đó mưu sinh trên vỉa hè dễ có đồng ra đồng vào. Nhà ven lộ, chỉ cần một mái hiên, vài cái bàn nhựa, dăm cái ghế gỗ không cần “đồng bộ” là thành cái quán. Biển hiệu “Chè Don”, “Don Vịt lộn” hoặc “Chè Vịt lộn” là những mảnh gỗ viết nguệch ngoạc treo ở lưng chừng cây trứng cá. Những sinh viên ở Quy Nhơn - Bình Định ra, lần đầu lớ ngớ cứ kêu “cho một ly chè don”, hoặc “cho mấy trứng don vịt lộn”…

Chủ quán, thường là các cô gái trẻ, che miệng cười, yêu cầu xác định chè hay don thì nhận được câu hỏi “Don là gì? Sao không thấy phết phảy gì cả, ai mà biết”. Vậy là sau một hồi thuyết minh tứ tung, chủ quán kết luận don là… con don, ăn không ngon không phải trả tiền. Còn phết phẩy hả? Đó là việc của mấy anh có học. Vẩy hể. “Vẩy hể” là rặt ri Quảng Ngãi. Tôi có đôi lần bỗng dưng học cách nói những tiếng có âm cuối là “ao”, “ai”… từ đôi môi của một người bạn gái “chánh hiệu” thị xã Quảng Ngãi. Em nói anh đừng có bắt chước tào lao, tiếng của ai người đó nói. Tôi thích cái cách dùng chữ “vẩy hể” của em khi muốn đề nghị hoặc rủ rê ai đó. Chỉ đơn giản là “vẩy hể” mà không hiểu sao trái tim tôi cứ “phiên âm” thành nhớ thành thương. Và giờ đây nỗi nhớ thương chầm chậm quay giữa những ngày lao xao nắng xuân vàng thắm, chầm chậm quay như bờ xe nước dấu yêu, cho dù bờ xe nước - “dòng sông Trà thứ hai” - chỉ còn trong tâm tưởng.

Núi Bút mùa này lá xanh ngăn ngắt. Còn vỏ cây thì sần sùi với rất nhiều nếp nhăn. Lá là mùa xuân hiện tại. Nếp nhăn trên vỏ cây là những mùa xuân ký ức. Tôi cũng đang là ký ức của chính tôi sau mỗi thời khắc đi qua. Quảng Ngãi với những cảnh vật, những con người tôi đã gặp thật ra không nhiều lắm. Đó chỉ là một đỗi đường ngắn ngủi, ngắn như bài thơ tứ tuyệt mà dài lắm những vang vọng yêu thương.

Xuân 2015

Trần Cao Duyên


 


.