Nhớ tết xưa

06:01, 28/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Đối với người Việt, Tết nguyên đán (đầu năm) có ý nghĩa rất thiêng liêng. Tết không chỉ là những ngày sum họp, đoàn tụ gia đình trong không khí ấm cúng, vui vầy mà còn là dịp để thăm hỏi, chúc tụng nhau, để con cháu thắp nén nhang tưởng vọng ông bà, nhớ về  tổ tiên, nguồn cội.

TIN LIÊN QUAN

Do Tết quan trọng như vậy nên ngày xưa người ta quan niệm “còn cũng ba ngày tết, hết cũng ba ngày mùa", làm ăn dành dụm cả năm đổ dồn vào lo Tết.

Ngày trước ở các vùng quê Quảng Ngãi không khí Tết bắt đầu chộn rộn từ khoảng 20 tháng chạp. Ấy là lúc các chợ đều đông đúc kẻ mua người bán. Các mẹ, các bà, các chị mang ra chợ quê nhiều thứ sản vật của vườn nhà như gà vịt, rau cải, chuối, thơm, đu đủ, gừng, kiệu để bán kiếm chút ít tiền mua sắm tết. Sau ngày ông Táo về trời 23 tháng chạp, cánh đàn ông  từ các vùng quê đem mai cành xuống chợ để bán cho người thành thị chơi trong ba ngày tết.
 

Nhớ mùi Tết xưa là nhớ mùi hăng hắc cay cay tỏa ra từ cái bếp toàn củi gộc luộc bánh chưng. Ảnh: Cinet
Nhớ mùi Tết xưa là nhớ mùi hăng hắc cay cay tỏa ra từ cái bếp toàn củi gộc luộc bánh chưng. Ảnh: Cinet

 

Chợ tỉnh trong những ngày này luôn nhộn nhịp, ồn ào bởi đây là chợ đầu mối và cũng là nơi tập trung nhiều hàng hóa nhất. Từ đây, mỗi ngày có đến hàng trăm chiếc xe Lambretta chở hàng hóa tỏa về các huyện và chở người từ các nơi về chợ tỉnh sắm Tết.

Cùng với phương tiện phổ biến thời ấy là Lambreta ba bánh, xe ngựa với nhịp điệu lộc cộc quen thuộc lúc nào cũng đầy ắp khách và hàng hóa. Xe ngựa từ phía Vạn Tượng (Nghĩa Dũng) chở lên tỉnh các loại hoa quả của miệt vườn. Xe ngựa từ ngã Tịnh Châu, Tịnh An (Sơn Tịnh) chở lên phố thị nhiều nhất là rau xanh để  theo người buôn bán về các huyện  xa  xã gần. Xe ngựa từ hướng tây Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) mang xuống chợ tỉnh nhiều nhất là gà vịt, khoai lang, khoai sọ. Thường ngày loại phương tiện thô sơ này chỉ chở người là chính nhưng vào những ngày cận Tết, xe ngựa trở thành phương tiện vận chuyển hàng hóa khá là hữu hiệu.

Tết ở Quảng Ngãi ngày trước không có nhiều khác biệt lắm so với các vùng miền trong nước nhưng lại có nét rất riêng. Cỡ 20 tháng chạp trở đi, từ lúc trời chập choạng cho đến nửa đêm, ở các miền quê đều vọng lại tiếng thì thụp của chày nện bánh nổ lúc xa, lúc gần. Bánh nổ là thứ đặc sản của Quảng Ngãi không giống bánh dẹp Nam bộ, cốm đất bắc hay bánh nếp của Phú Yên.

 

Ảnh minh hoạ- CAND
Ảnh minh hoạ- (Cadn.com.vn)


Bánh nổ làm từ nếp rang, sau đó nhặt hết vỏ trấu, rồi sên đường với gừng già xắt mỏng, trộn đều với nổ, cho vào khuôn dùng vồ đánh mạnh và đều tay. Bánh đóng thành cây, dài cỡ hơn hai gang tay đem sấy nhẹ bằng than nóng, sau đó cắt thành từng lát vuông vức. Bánh nổ chỉ là  món quà quê nhưng  kết tinh cả hương đồng gió nội nên khó có thứ cao lương mỹ vị nào sánh được. Bánh nổ  thơm mùi nếp,  vừa ngọt dịu vừa cay nhẹ gợi lên tâm thức về một miền quê có đôi vai gầy của mẹ, chiếc áo bạc màu mưa nắng của cha và những cánh đồng thoảng mùi rơm rạ sau mỗi mùa gặt.

Cùng với bánh nổ, hầu như nhà nào cũng làm một vài thứ bánh mứt khác, trong đó bánh thuẫn là món trẻ con thích nhất. Bánh thuẫn công thức đơn giản nhưng không dễ làm. Trứng gà bỏ lòng trắng chỉ lấy lòng đỏ, đem trộn với bột huỳnh tinh, đường trắng, ít nước theo một tỉ lệ nhất định rồi đánh đều tay cho thật nhuyễn. Phải mất ít nhất ba tiếng đồng hồ đánh liên tục, khi thau trứng bột đã sền sệt người ta mới đổ vào khuôn đặt sẵn trong nồi đất đun nóng rồi úp vung lại.

Canh chừng vài ba phút, người ta dùng một thanh tre vót nhọn lấy bánh ra từng cái. Bánh phần dưới có hình tròn,  phần trên nở ra ba cánh đều như một nụ hoa là đẹp, là “hên" cho chủ gia. Còn nếu bánh không nở, các bà  gọi bánh “thầy tu" là không đạt, là “xui xẻo” cho cả năm theo quan niệm của ông bà xưa. Làm bánh thuẫn rất khó nên không phải nhà nào cũng làm được mà phải cần người có kinh nghiệm chỉ dẫn.

Cúng ông bà hay đãi khách đến thăm, chúc tết, người ta dọn bánh thuẫn, bánh nổ và một ít mứt gừng, mứt dừa nhà tự làm lấy. Gia đình nào khá giả thì có thêm bánh in, kẹo mè, mứt trái cây hay kẹo dẻo. Đặc biệt ở quê tôi có món bánh mè rất thơm ngon, trẻ con và người lớn đều rất ưa thích. Cầm miếng bánh mè cắn nhẹ có cảm giác cả cánh đồng nếp tháng mười ùa vào trong lồng ngực. Chính những ngày vất vả làm bánh mứt  Tết với mẹ con, chị em, hàng xóm nhờ đỡ nhau thân tình đã thắt chặt thêm tình cảm trong gia đình  và hàng xóm láng giềng, làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.
 

 

Nếu người xứ Bắc thích ăn Tết với bánh chưng xanh, giò chả, dưa cải chua, thịt mỡ phù hợp với khí hậu se lạnh, người miền Nam thích các món chua ngọt, lẫu cá tôm, gà chiêng, thịt nướng hợp với nơi nắng ấm quanh năm, thì người dân quê tôi lại thích bánh tét ăn với thịt heo, củ kiệu, củ hành muối chua hay đơn giản chỉ mấy món nem chả, thịt gà luộc chấm nước mắm nhỉ làm từ cá cơm. Người Quảng Ngãi ăn Tết không cầu kỳ, tốn kém nhiều giống như tính cách con người nơi đây mộc mạc, chân tình, không khoa trương, hình thức.

Ngày trước ở Quảng Ngãi cũng không nhiều thú vui chơi Tết. Ở các làng quê, nơi tụ tập đông người nhất là chỗ xóc bầu cua và các hội lô tô. Các chòi lô tô dựng từ chiều 28, 29 Tết và dỡ chòi khoảng mùng 5 mùng 6 tết khi đã vãn người chơi. Những ngày Tết ở quê thường có các đoàn hát bội về diễn ở bãi đất  trống đầu làng người xem đông như hội.

 

Hát bài chòi ngày xuân. Ảnh: H.Minh
Hát bài chòi ngày xuân. Ảnh: H.Minh


Thời gian trôi nhanh, cuộc sống có nhiều thay đổi nên cách ăn Tết chơi Tết cũng biến đổi theo. Mâm cỗ  và những món đãi khách của người Quảng Ngãi  trong những ngày Tết bây giờ đã khác, pha tạp văn hóa các vùng miền, các nền văn hóa. Thế nhưng, cứ mỗi độ xuân về tôi lại nhớ những Tết xưa, ngày tôi còn bé.


Thanh Tánh


.