Năm Ngọ nói chuyện ngựa

06:01, 23/01/2014
.

Trong số mười hai con vật biểu tượng của mười hai con giáp là: chuột, trâu, hổ, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn thì con ngựa - biểu tượng của năm Ngọ – là một trong những con vật được con người coi trọng và sử dụng nhiều nhất.

 


Ngựa có dáng vẻ đẹp đẽ, oai vệ mà thanh nhã, hiền lành. Ngựa có nhiều màu do đó có những tên gọi khác nhau tùy theo sắc lông: Tuyền màu trắng gọi là ngựa bạch; trắng chen một ít đen gọi là ngựạ kim; đen tuyền gọi là ngựa ô; đen pha tí đỏ gọi là ngựa khứu; đen pha nhiều đỏ gọi là ngựa hởi; đen pha đỏ tươi là ngựa vang; đen pha đỏ đậm là ngựa hồng; trắng đen pha chút đỏ là ngựa đạm; tím đỏ pha đen là ngựa tía; trắng sọc đen là ngựa vằn...

Về cách đi đứng của con ngựa có đến hơn một tá động từ để diễn tả như: đi, bước, rảo, chạy, nhảy, kiệu, phóng, vút, phi (bay), tế, sải, lao, vọt, phốc...

Từ thượng cổ đến nay, khắp nơi trên thế giới, hầu hết các dân tộc đều dùng ngựa để cưỡi, đi chơi, làm việc, ra trận, kéo xe, kéo cày, chở thư, thi thể thao, biểu diễn nghệ thuật, trang trí lễ hội...

Khi xe cơ giới chưa ra đời thì con ngựa là phương tiện hành luân nhanh nhất. Rất nhiều đội kỵ binh đã vượt hàng vạn dặm đất đai mệnh mông, núi non hiểm trở, từ nước này sang nước khác như những đội kỵ binh các nước Nam Á, Ả-rập, La Mã, Mông Cổ lừng danh trong lịch sử. Trong ngôn ngữ xuất hiện cụm từ thiên lý mã để chỉ những con ngựa chạy nhanh nghìn dặm, phi ngựa là cưỡi ngựa chạy như bay. Có cả cụm từ lạm phát phi mã để chỉ nạn lạm phát không kiềm chế nổi. Ngày nay, máy móc đã phát triển đến trình độ rất cao, người ta vẫn lấy sức ngựa (mã lực) làm tiêu chuẩn tính sức mạnh của động cơ...

Rất nhiều nhà điêu khắc tài hoa, họa sĩ nổi tiếng đã tạc tượng, vẽ tranh ngựa in trên sách báo, trưng bày các viện bảo tàng, đền đài, lăng tẩm. Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều có tượng danh nhân ngồi trên lưng ngựa đặt trang trọng ở các quảng trường, công viên hay trong những lâu đài đồ sộ như tượng của Pi-e Đại Đế Ô Xanh Pê-téc-bua, tượng vua Quang Trung ở thành phố Quy Nhơn.

Họa sĩ Trung Quốc Từ Bi Hồng vẽ ngựa nổi tiếng vào bậc nhất thế giới, đã vẽ hàng trăm bức tranh ngựa với tư thế khác nhau cực kỳ sinh động. Kiệt tác tranh ngựa của ông có mặt ở khắp Trung Quốc và hàng trăm nước khác.

Hàng thế kỷ nay, các phương tiện giao thông cơ giới phát triển ở trình độ cao, người ta vẫn thích dùng ngựa kéo xe tang trong những lễ quốc tang trọng thể, hoặc dùng ngựa để diễu binh, duyệt binh. Sau khi chiến thắng phát-xít Đức, hai vị nguyên soái lừng danh của Liên Xô là Giu-cốp và Rô-cô-xếp-xki đã đi ngựa (một trắng, một đen) để duyệt binh mừng chiến thắng ở Hồng trường, trước những hàng quân trang bị xe tăng, thiết giáp và vũ khí hiện đại.

Có hai sự kiện về con ngựa ở Châu Á liên quan đến nước ta thật là thú vị.

Đầu thế kỷ 13, hoàng tử Lý Long Tường con vua Lý Anh Tông, vì hoàn cảnh lịch sử, đã chạy sang nước Cao Ly (Hàn Quốc) cư trú. ở Cao Ly, Lý Long Tường đã làm nên nhiều việc lớn giúp nhân dân nước này như xây Đài Vọng Quốc, mở trường dạy học. Đặc biệt, ông đã tổ chức chỉ huy quân đội góp phần đánh thắng quân xâm lược, được vua Cao Ly là Cô-Dông rất khen ngợi, phong làm tướng, thưởng một con ngựa trắng và tặng danh hiệu “bạch mã tướng quân”. Hiện nay hậu duệ đời thứ 26 của hoàng tử Lý Long Tường là Lý Xương Căn đã từ Hàn Quốc trở về Việt Nam sinh sống ở cố hương Cổ Pháp - Đình Bảng huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Ở Việt Nam hình tượng con ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương vừa bay vừa phun lửa diệt giặc Ân và sau khi phá tan giặc, liền bay vút lên trời xanh, không chờ lĩnh thưởng, không đợi ghi công. Thật là kỳ vĩ! Biết bao câu thơ câu văn nói đến con ngựa một cách sinh động, tuỳ theo cách sử dụng và trạng thái, phẩm chất của người cưỡi. Trong truyện Kiều, Nguyến Du tả Kim Trọng xuất hiện lần đầu với “Tuyết in sắc ngựa câu giòn” rất thanh lịch tao nhã. Huy Cận nhìn nét “đẹp xưa” khi “Dừng chân nghỉ ngựa non cao/Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon”. Trong “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, Tố Hữu viết: “Tin về nửa đêm/Hoả tốc, hoả tốc/Ngựa bay lên dốc/Đuốc chạy sáng rừng”.

Và ở chiến khu Việt Bắc, Tố Hữu thấy Bác Hồ cưỡi ngựa đi giữa núi rừng như một ông tiên: “Nhớ người những sáng tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo”. Đồng chí Trường chinh trong bài “Đi họp”: “Vút ngựa vượt qua đèo/Rì rầm tiếng suối reo... Ngựa mỏi đi bước một/Người suy nghĩ vấn vương... Hội nghị mai họp sớm/Băm băm ngựa bước nhanh”.

Con ngựa Giáp Ngọ của Việt Nam cũng sẽ là con “Thiên lý mã” chinh phục đói nghèo, nhằm đỉnh cao ấm no, hạnh phúc mà phi nước đại.


Theo Báo Nhân dân

 

 


.