Tết của người Việt xa xứ

10:01, 29/01/2013
.

Vì cuộc sống mưu sinh, công việc, học hành, nhiều người Việt Nam phải ở lại nước ngoài đón Tết trong nỗi nhớ nhà da diết.

Chạnh lòng nhớ về chiều 30 tháng Chạp đoàn tụ bên gia đình, nhờ người thân gửi món ăn cổ truyền sang nước bạn, quây quần cùng bạn bè bên mâm cơm ấm cúng... là cách đón Tết thường thấy của người Việt nơi xứ người.

Anh Nguyễn Xuân Hoàng, 30 tuổi, sống ở thành phố Kadan, Cộng hòa Czech, nhớ như in cái Tết đầu tiên xa nhà, đêm giao thừa chợt ứa nước mắt nhớ bữa cơm gia đình ấp áp. "Đó là những ngày lạnh giá, tuyết phủ trắng trên từng cành cây, con đường. Không có hoa mai vàng hay nắng sớm, không có bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ…", anh nói.

Bữa cơm ngày 30, mọi người trong gia đình anh thường sum vầy để cùng nhau tiễn đưa năm cũ, chào mừng năm mới. Hôm đó, mẹ anh sẽ nấu món miến măng truyền thống của nhà. Bên tô miến thơm lừng, nóng hổi nghi ngút khói, ông bà, con cháu cùng nhau ôn lại những thăng trầm, kỷ niệm đã qua. Nhưng giờ ở xứ người, anh chỉ có thể "thưởng thức" hương vị Tết đó trong ký ức.
 

Cộng đồng người Việt quây quần bên nhau khi Tết về. Ảnh minh họa.
Cộng đồng người Việt quây quần bên nhau khi Tết về. Ảnh minh họa.



Còn với Nguyễn Ngọc Hương Thảo, du học sinh tại Mỹ, Tết xa nhà là những ngày mải miết trên giảng đường, thư viện, kỳ thi. Có những ngày ôn bài mà lòng cô đếm từng hôm, rồi tự nhủ: "Hôm nay ngày 25 Tết, chắc ba mẹ về quê để thăm mộ ông bà"; "27 Tết rồi, chắc mẹ đã làm xong kiệu, dưa hành"; Ngày 30, ba mẹ đang chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, thế nào cũng có món miến măng gà, món ăn mà bà lúc còn sống thích nhất".

Văn hóa đón Tết truyền thống vẫn được người Việt xa xứ lưu giữ dù ở bất cứ nơi đâu. Cứ mỗi độ Tết về, anh Hoàng thường cùng cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Czech tham dự các buổi liên hoan họp mặt cuối năm. Riêng với gia đình nhỏ của mình, trong hơn 6 năm xa nhà, anh luôn duy trì mâm cơm ngày 30 để nhắc mình và vợ con nhớ về giá trị truyền thống. Tuy không tươm tất được như ở nhà - mẹ anh thường làm - nhưng không thể thiếu món miến măng của gia đình, bao nhiêu đó cũng đủ để anh nhớ nhà, nhớ quê.

Đối với nhóm du học sinh tại Asia Pacific University, Nhật Bản, để ăn Tết nơi xứ người, các bạn thường nhờ người thân gửi miến, măng, mộc nhĩ… sang. Đủ nguyên liệu rồi, họ cùng tụ tập và nấu các món ăn truyền thống. "Lúc ở nhà chỉ biết đòi mẹ làm, nhưng sang đây rồi, cảm giác nhớ nhà khiến tụi mình trở nên 'đảm đang' kỳ lạ. Món nào cũng muốn nấu, từ bánh chưng, miến măng, thịt kho… dù dở hay ngon, xấu hay đẹp cũng thấy tự hào, vui sướng vì có chút cảm giác của Tết ở nhà", bạn Bích Ngọc đang học tập tại xứ sở hoa anh đào cho biết.

Còn với một số bạn đang học tại Anh, niềm động viên lớn nhất là được quây quần bên các gia đình người Việt sinh sống tại đây để cùng sẻ chia cái Tết xa quê. Ngọc Huyền, sinh viên đại học London cho biết: "người Việt định cư ở Anh ít hơn các nước khác như Mỹ, Nga. Do đó, có điều kiện gặp mặt và kết thân với nhau là điều rất quý. Nếu may mắn Tết rơi vào cuối tuần thì mọi người sẽ tụ tập cùng nhau; nếu chẳng may Tết là ngày thường thì sẽ để dành đến cuối tuần để họp mặt".

Huyền tâm sự, với cô, miến là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Nhiều khi nhớ nhà, cô tìm mua miến Phú Hương Yến Tiệc để chế biến những món ăn "rất Việt Nam" từ nguyên liệu này. "Tuy là miến đóng gói nhưng sản phẩm được sản xuất từ đậu xanh, sợi suôn thẳng, vị giòn, dai, nấu không bị nát và ngon như vị truyền thống. May mà sản phẩm hương vị Việt được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Canada, được bán nhiều trong siêu thị, chợ nên mình có thể dễ dàng hưởng hương vị Tết dù ở xa nhà", Huyền nói.

Huyền chia sẻ thêm, đôi khi thời khắc Tết truyền thống đã qua vài ngày nhưng mọi người vẫn thấy ấm lòng khi cùng nhau quây quần bên mâm cơm đầy đủ món ăn Việt Nam. Trong cái lạnh của trời Âu, ăn một bát miến nóng hổi, vị giòn dai của miến, ngọt của thịt, đăng đắng của măng hay hăng hăng của kiệu, dẻo thơm của bánh chưng cũng làm vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà…
 

 

Xuân Ngọc/VnExpress


.