Tất bật mưu sinh ngày giáp Tết

09:02, 13/02/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Tết đang đến rất gần, phố phường thêm ràng bởi dòng người đi mua sắm Tết. Thế nhưng, đối với những lao động nghèo, những ngày này, họ vẫn phải đang tất bật mưu sinh, chạy đua với thời gian để có thêm thu nhập, lo cho cái Tết đủ đầy, tươm tất hơn. 

TIN LIÊN QUAN

Mưu sinh theo hoa Tết

Những ngày cận Tết, chợ hoa Tết dọc theo tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP. Quảng Ngãi) có hàng chục người mang hoa, cây cảnh với đủ các chủng loại màu sắc rực rỡ từ khắp nơi về đây để cung ứng cho thị trường Tết. Song, đằng sau những cánh hoa rực rỡ, ẩn trong những thế cây cảnh đẹp là những câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn theo hoa Tết trong những ngày giáp Tết. 
 
Trong số hàng chục người bán hoa Tết tại ‘đường hoa’ Phạm Văn Đồng, chúng tôi gặp và bắt chuyện cùng vợ chồng anh Nguyễn Thành Công (42 tuổi) ở huyện An Nhơn (Bình Định), 'chủ' của một lô mặt bằng bán hoa cảnh gần khu vực quảng trường, khi anh vừa tranh thủ ăn vội hộp cơm trưa. Đây là năm thứ 5 anh Công cùng vợ là chị Lê Thị Ánh Tuyết  thuê xe vận chuyển hoa mai ra TP. Quảng Ngãi để bán với mong mỏi có được cái Tết tươm tất. Năm nay, vợ chồng anh mang gần 100 chậu mai vàng từ An Nhơn ra TP. Quảng Ngãi từ 23 tháng chạp, nhưng đến nay mới chỉ bán được 10 chậu. 
 
“Thời điểm này, người dân chủ yếu đến tham quan, và tham khảo giá cả nên có rất ít người mua hoa, sức mua vì thế rất chậm. Giờ đây, vợ chồng tôi chỉ trông chờ sức mua sẽ tăng vào các ngày áp Tết, để bán hết số hoa này, kịp về đón giao thừa cùng với các con và gia đình’ - anh Công tâm sự.
 
Chăm chút từng chậu hoa, cây cảnh để bán cho khách chơi Tết
Chăm chút từng chậu hoa, cây cảnh để bán cho khách chơi Tết
 
Với anh Công, mỗi chuyến đi bán hoa Tết là vợ chồng anh mang trăm nỗi lo, lo đường xá xa xôi, lo mai ế bán không hết thì không có tiền lo Tết cho gia đình…. ‘Nghề đi bán hoa Tết ở xứ người nhiều cơ cực, thức đêm, thức hôm giữa trời lạnh, ngủ vật vờ bên vệ đường, giấc ngủ cũng chập chờn. Chốc chốc lại giật mình tỉnh giấc, rọi đèn kiểm tra hoa. Nếu lỡ để mất hoặc người khác phá làm hư hoa, thì coi như mất Tết vì lỗ vốn’- anh Công chia sẻ. 
 
Chấp nhận xa nhà ngày giáp Tết, chấp nhận những rủi ro và chấp nhập trở về nhà sau giao thừa… là tâm lý chung của nhiều người trót chọn nghề buôn bán hoa Tết trong những ngày cuối năm. ‘Người mua hoa Tết thường có tâm lý đợi đến ngày cuối cùng của năm để “mua cho rẻ”, trong khi đó, thời tiết mấy ngày nay mưa lạnh nên tôi cũng như nhiều người bán hoa Tết khác đang rất lo.
 
Hiện, tôi chỉ còn trông chờ hai ngày cuối cùng (29, 30 Tết), hi vọng thời tiết sẽ tạnh ráo để bán được hoa. Cận Tết rồi, nhà nhà, người người đi mua sắm mà tôi vẫn chưa sắm sửa được gì, nhưng vẫn phải gồng mình lên thôi. Mong  không phải lỗ vốn, kiếm được chút lời để vợ con vui Tết là mừng lắm rồi’ - anh Huỳnh Thanh Hậu ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), một hộ bán hoa cúc ở ‘chợ hoa’ đường Phạm Văn Đồng chia sẻ. 
 
Nghề chợ hoa thuê được nhiều người lựa  chọn mưu sinh  trong dịp này
Nghề chở hoa thuê được nhiều người lựa chọn mưu sinh trong dịp này

 

Cũng bám ‘chợ hoa’ mưu sinh trong những ngày giáp Tết là hàng chục người chở hoa thuê. Dọc theo tuyến tuyến đường Phạm Văn Đồng và nhiều điểm bán hoa khác, lúc nào cũng có những người hành nghề chở hoa thuê đứng chờ sẵn để sẳn sàng vận chuyển hoa khi có khách yêu cầu. Hầu hết, những người làm nghề này,  ngày thường, họ là cánh tài xế chạy xe ôm, chở hàng thuê, còn trong những ngày giáp Tết, ngoài chở khách, họ còn nhận chở hoa, cây cảnh cho khách hàng chơi Tết. 
 
Không bỏ lỡ “thời cơ vàng” những ngày cận Tết, nhu cầu vận chuyển hoa Tết tăng cao, ông Nguyễn Văn Bách (50 tuổi) (vốn hành nghề chạy xe ôm ở khu vực ngã 4 Lê Lợi) đã tranh thủ ra khu vực đường Phạm Văn Đồng làm nghề thời vụ- chở thuê cây cảnh. Ông Bách bảo: ‘Ngày thường chở khách cho thu nhập trung bình khoảng 100 nghìn đồng/ngày. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, tôi chuyển sang chở chậu hoa hoặc cây đào, quất,… cho khách mua về chơi Tết. Gần Tết, xe cộ chạy đông nên đòi hỏi phải cứng tay lái và thật cẩn thận, nếu hàng của khách rớt bể chậu hay hư hại là mình phải đền tiền oan’. 
 
Theo ông Bách, tùy theo quãng đường xa hay gần mà chi phí khác nhau, từ vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm đồng cho một chuyến đi. “Nhiều khi đến nơi người ta thấy thương nên lì xì thêm nên thu nhập cũng khá. Tết đến nơi rồi nên phải cố gắng làm, dù mệt, vất vả, một chút cũng phải ráng, để có thêm thu nhập, đón cái Tết đủ đầy hơn” - ông Bách chia sẻ. 
 
Mong cái Tết đủ đầy
 
Không khí Tết đã tràn ngập khắp phố phường. Mọi người đang phấn khởi mua sắm, dọn dẹp, trang trí nhà cửa để chào đón năm mới. Với những người làm nghề thu mua ve chai, thời điểm này cũng là ‘cơ hội vàng’ để họ mua gom đồ cũ của các gia đình để kiếm thêm thu nhập. 
 
Năm hết, Tết đến, trong khi người người hối hả nhộn nhịp đi sắm Tết thì chị  Nguyễn Thị  Sa ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) cũng như nhiều chị em phụ nữ hành nghề ve chai vẫn cặm cụi với chiếc xe đạp cũ, ‘chạy đua’ với thời gian đi thu mua ve chai, sắt vụn. ‘Tết đến, hầu như nhà nào cũng dọn dẹp nhà cửa và vứt đi những thứ phế liệu không cần thiết nên mình thu gom, mua được nhiều hơn. Dù công việc vất vả, nhưng nhìn những chuyến hàng đầy ắp là mình vui rồi vì có thêm thu nhập, sắm sửa, trang trải cho cái Tết’- chị Sa tâm sự. 
 
Những chuyến hàng đầy ắp mang lại niềm vui cho những người hành nghề ve chai trong những ngày giáp Tết
Những chuyến hàng đầy ắp mang lại niềm vui cho những người hành nghề ve chai trong những ngày giáp Tết
 
Giáp Tết cũng là thời điểm chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đẩy bán hàng rong dọc trên các tuyến đường, đằng sau chiếc xe cồng kềnh ấy là những dáng người nhỏ bé lầm lũi mưu sinh.  
 
Đang cặm cụi đẩy chiếc xe hàng nước nặng nề ở khu vực quảng trường Phạm Văn Đồng để bán nước cho khách, chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi) cho biết: "Tranh thủ mấy ngày này, khách đến khu vực quảng trường để vui chơi, ngắm hoa nhiều nên việc buôn bán cũng thuận lợi hơn. Ngày thường, đi cả ngày tôi chỉ bán được 70- 100 nghìn đồng, nhưng dịp gần Tết, bán mỗi ngày bán gấp đôi, gấp ba ngày ngày thường nên tôi phải cố…".
 
Vì thu nhập tăng cao hơn những ngày bình thường, nên chị Hồng cũng như những người bán hàng rong khác đều ‘cố’ bán hàng tới tận trưa 30 Tết, thậm chí đến thời khắc giao thừa mới nghỉ. Với họ, đằng sau những giọt mồ hôi, những toan tính lo âu, bồn chồn là hạnh phúc được chăm lo cho gia đình có được cái Tết đầm ấm với đủ hương vị.
 
Tết đã cận kề. Cuộc sống của những lao động nghèo chưa hết nhọc nhằn. Song, dù bản thân còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng khi được hỏi có mong ước gì khi năm mới sắp tới, thì những con người ấy bày tỏ những mơ ước thật giản đơn: một tấm áo hay đôi giày mới cho các con ở nhà… hay chỉ là "mua may bán đắt".
 
H.P

.