Cuối năm kể chuyện "xóm Hoàng Sa"

07:02, 15/02/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Những ngày cuối năm, xóm chài Gành Cả, xã Bình Châu (Bình Sơn) trở nên rộn ràng khi người người tấp nập đi mua sắm, thanh niên trong làng rời tàu về dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ tổ tiên gia tộc để chuẩn bị đón Tết.

TIN LIÊN QUAN

Và trong những món đồ được người dân chuẩn bị để dâng lên bàn thờ tổ tiên ấy có một món đồ không thiếu. Đó là những sản vật được ngư dân đánh bắt được từ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc: Hoàng Sa!

Tết họ chia sẻ kinh nghiệm ngư trường

Con đường từ cảng Sa Kỳ dẫn về xóm biển Gành Cả tập nập người đi lại, những chậu hoa cúc, vạn thọ, quất… bày biện hai bên vệ đường như kéo mùa xuân mới Mậu Tuất về với xóm chài sớm hơn. Những con dốc nhỏ dẫn về xóm Gành Cả trở nên chật chội hơn, chợ quê trở nên nhộn nhịp hơn so với ngày thường, người người tấp nập đi mua sắm.

Người dân xóm biển Gành Cả đi mua sắm Tết
Người dân xóm biển Gành Cả đi mua sắm Tết


Căn nhà của ngư phủ Nguyễn Văn Tẩn chiều 26 tháng Chạp trở nên rôm rả, bên bàn ghế đá trước căn nhà hai tầng được quét lớp sơn mới là những ngư phủ dày dặn ngư trường và cũng có những ngư phủ tuổi đời và tuổi nghề còn non trẻ. Họ ngồi lại bên nhau trò chuyện, chia sẻ về những phiên biển bội thu hay những trắc trở gặp phải khi đang hành nghề sau một năm mưu sinh trên vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Bên chén trà nóng, những ngư phủ lão luyện kể cho những ngư dân trẻ về câu chuyện giúp nhau vượt qua giông bão trong chuyến ra khơi trắc trở, hay chia sẻ thông tin khi phát hiện đàn cá lớn. Những ngư phủ thâm niêm còn chia sẻ cho ngư dân trẻ biết những rạn san hô, những đảo chìm, đảo nổi mà mỗi khi di chuyển phải thận trọng quan sát để tàu không va vào…

Khi những người đàn ông trò chuyện, dọn dẹp nhà cửa thì những người phụ nữ xóm biển đi mua hoa về đón Tết.
Khi những người đàn ông trò chuyện, dọn dẹp nhà cửa thì những người phụ nữ xóm biển đi mua hoa về đón Tết.


Ở làng chài Gành Cả, trai lớn là theo các bậc “cao thủ” trong làng dong thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa, nên ở làng ngày thường chỉ toàn phụ nữ, trẻ em. Thế nên, Tết mới là dịp họ gặp lại nhau, ngồi hàn huyên trò chuyện. Bởi như lời của ngư dân Nguyễn Thanh Biên: Dù nhà sát vách nhưng có khi cả năm chúng tôi mới gặp nhau một lần (vào dịp cuối năm) vì người này ra khơi thì người kia về bờ. Thế nên, Tết đến Xuân về anh em mới có dịp ngồi lại để chuyện trò, để tâm sự và chia sẻ kinh nghiệm hành nghề trên biển.

Mới 40 tuổi nhưng anh Biên đã có hơn 20 năm tuổi nghề, chàng ngư phủ dày dạn sóng gió biển khơi đúc kết một kinh nghiệm với những ngư dân khác như vầy: Ra khơi, biển rộng mênh mông, thứ ấm lòng nhất là Quốc kỳ, chỉ nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió trên nóc tàu thì mọi mệt mỏi sẽ tan biến. Và một điều nữa là tình đoàn kết của anh em ngư phủ. Khi tàu bạn gặp nạn thì mình có thể bỏ chuyển biển để giúp đỡ anh em, bởi hơi thở tình người giữa mênh mông trời nước ấm lòng vô cùng.

Dâng tổ tiên sản vật Hoàng Sa

Căn nhà nhỏ giữa xóm chài tiếng con nít vui đùa rộn rã, những đứa trẻ khoe với nhau bộ quần áo mới, có đứa kể cho bạn nghe về những phong bao lì xì nhận được trong mùa Tết trước và ước mong Tết này sẽ nhận được nhiều hơn. Phía xa xa một người đàn ông da rám nắng đang chà rửa lại bộ lư đồng cười nhẹ khi nghe lũ trẻ trò chuyện. Anh là ngư phủ Phạm Cư, một nhân vật mà bà con xóm biển Gành Cả đều biết, bởi anh là ngư phủ xấu số… may mắn nhất.

 Đường về xóm biển Gành Cả trở nên đẹp hơn với những chậu hoa khoe sắc
Đường về xóm biển Gành Cả trở nên đẹp hơn với những chậu hoa khoe sắc


Vừa đánh bóng bộ lư đồng, anh Cư thổ lộ, may nhờ ơn tổ tiên phù hộ nên tôi mới về với gia đình, mới được sống cùng các con đến hôm nay. Đó là phiển biển đầu mùa mưa năm 2009, khi anh và các ngư dân khác ra khơi thì bão số 9 ập đến. Chiếc tàu cá dài hơn 20 trở nên bé nhỏ giữa biển khơi và chưa đầy 10 phút khi bão ập đến con tàu chìm hẳn xuống đáy đại dương.

Anh Cư cùng các ngư dân khác chưa kịp mặc áo phao đã phải cố nhảy khỏi con tàu bị bão đánh gãy làm đôi. Gần 3 ngày… bơi trên biển anh được một tàu cá của ngư dân phát hiện và cứu vớt. “Tôi bơi trong vô vọng và nghỉ mọi thứ đã chấm hết thì may mắn phát hiện một tấm ván tàu một con tàu bị sóng đánh toạc nên bám vào đấy và tổ tiên đã phù hộ nên tôi mới được bình an trở về với gia đình”, anh Cư bùi ngùi nhớ lại.

Anh bảo, gần 10 cái Tết sau ngày định mệnh đó, cứ giữa tháng Chạp là anh không ra khơi nữa mà ở nhà lo dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên. Bày biện trên bàn thờ ông bà trong những ngày Tết, bên cạnh bánh chưng, bánh tét thì còn có những sản vật mà anh đánh bắt được trong những chuyến ra khơi, bởi với anh đó là điều rất thiêng liêng. “Hải sản Hoàng Sa nhiều vô kể, và tôi chọn những gì ý nghĩa nhất để dâng lên tổ tiên mình”, anh Cư tâm sự.


 Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.